Người dân sống xung quanh khu vực có đặt trạm thu phát sóng điện thoại di động đều an toàn, không bị ảnh hưởng đến sức khỏe...
Tại sao cần nhiều BTS?
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 7 nhà mạng cung cấp dịch vụ thông tin di động (TTDĐ) mặt đất, sử dụng 2 hệ thống điện thoại di động thông dụng sử dụng công nghệ GSM (mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel, Gtel, Vietnamobile) và CDMA (Sfone và EVN telecom). Cả 2 hệ thống đang phục vụ 142,1 triệu thuê bao (theo thống kê của Tổng cục Thống kê đến hết tháng 9/2010). Với số lượng thuê bao lớn như vậy, nhất là tại các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng..., các nhà mạng phải xây dựng các trạm thu phát theo cấu trúc tế bào (Cell, được hiểu là một khu vực địa lý, mỗi cell được phục vụ bởi một BTS), với mật độ cao để đảm bảo vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ.
Gần đây, các nhà mạng tăng cường đầu tư hạ tầng mạng TTDĐ để đáp ứng việc phát triển các dịch vụ trên nền 3G dẫn đến các nhà trạm BTS ngày càng dày đặc. Khoảng cách giữa các BTS trên cùng một mạng trước đây đối với 2G ở vào khoảng 2 km thì nay rút ngắn còn 800m. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có trên 42.000 BTS.
Ảnh hưởng của sóng vô tuyến BTS?
Trong môi trường sống, luôn tồn tại sóng điện từ trường, được sinh ra từ rất nhiều nguồn khác nhau như: Hoạt động của máy móc công nghiệp, thiết bị điện, va chạm các vật thể, nguồn điện, máy phát sóng radio...
Phơi nhiễm: Là hiện tượng xuất hiện khi con người bị đặt trong trường RF hoặc dòng điện tiếp xúc
Đối với sóng vô tuyến TTDĐ của các hệ thống điện thoại di động hiện nay, tần số hoạt động trong khoảng từ 450 MHz đến 1800 MHz. Sóng vô tuyến này không phải là bức xạ ion hóa như các tia X hoặc tia gamma, không gây ra hiện tượng ion hóa hoặc phóng xạ trong cơ thể. Tuy nhiên, dải tần của sóng TTDĐ phát ra từ các BTS cần được quản lý an toàn trong bức xạ tần số radio (RF) về sự phơi nhiễm của con người trong trường tần số này. Nếu việc phơi nhiễm trong trường RF cao, nhiệt độ cơ thể tăng. Ảnh hưởng lâu dài của việc tăng nhiệt này vẫn còn đang được xem xét. Ảnh hưởng thứ hai rõ rệt hơn đến sức khỏe là bỏng RF, xảy ra khi tiếp xúc với chấn tử anten, hoặc bộ phận ghép nối có điện áp RF cao.
Việc nghiên cứu ảnh hưởng của sóng điện từ trường nói chung và sóng vô tuyến TTDĐ tới sức khỏe con người đã được nhiều tổ chức của thế giới nghiên cứu. Từ năm 1996, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bắt đầu thực hiện các chương trình nghiên cứu, nhằm xác định mức độ ảnh hưởng có thể đến sức khoẻ con người của trường điện từ tần số vô tuyến trong dải tần đến 300 GHz và đề ra các biện pháp hạn chế.
Ngoài ra, còn có các nghiên cứu của Ủy ban Quốc tế về phòng chống bức xạ không ion hoá (ICNIRP), nghiên cứu của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) về ảnh hưởng của sóng điện từ viễn thông... Theo kết quả nghiên cứu của các tổ chức này, sóng điện từ tùy theo cường độ, tần số, khoảng cách, mức độ che chắn… mà có thể có ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ con người.
Giám sát những ảnh hưởng này như thế nào?
Hiện nay, hầu hết các nước đều có tiêu chuẩn về mức giới hạn an toàn của sóng điện từ dưới dạng bắt buộc áp dụng hoặc tự nguyện áp dụng. Ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-1:2005 “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio - Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong dải tần từ 3 kHz đến 300 GHz”. Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã xây dựng hệ thống văn bản quản lý về bức xạ điện từ của các BTS bao gồm:
- Công bố bắt buộc áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-1:2005 về quản lý an toàn trong bức xạ tần số radio. Với việc bắt buộc áp dụng TCVN này, giá trị mật độ dòng năng lượng (S) quy định đối với các BTS là 2 W/m2. Giá trị này nghiêm ngặt hơn khi so sánh với các giới hạn của một số tổ chức và một số nước (ước tính đối với các BTS hoạt động tại tần số 900 MHz): tổ chức ICNIRP là 4,5 W/m2; Mỹ, Nhật là 6 W/m2; Anh là 32 W/m2 (riêng Trung Quốc quy định giá trị thấp 0,4 W/m2).
- Ban hành Tiêu chuẩn Ngành TCN 68-255:2006 về phương pháp đo mức phơi nhiễm trường điện từ nhằm đánh giá mức độ phơi nhiễm quy định trong TCVN 3718-1:2005. Tiêu chuẩn này dựa trên tiêu chuẩn mới nhất của châu Âu (EN 50400:2006 và EN 50401:2006).
- Ban hành Thông tư 09/2009/TT-BTTTT ngày 24/03/2009 về kiểm định và công bố sự phù hợp đối với công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông và Thông tư 11/2009/TT-BTTTT về danh mục công trình viễn thông bắt buộc công bố sự phù hợp. Theo các văn bản này, từng BTS lắp đặt mới trong thời gian 90 ngày kể từ ngày đưa công trình vào khai thác sử dụng phải được kiểm định tuân thủ TCVN 3718-1:2005 thì mới được hoạt động. Đối với các BTS khi có sự thay đổi cấu hình như tăng công suất bức xạ, thay đổi vị trí, độ cao và hướng ăngten làm cho các tiêu chí về an toàn trong trường bức xạ tần số vô tuyến điện vượt quá giá trị đã được kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định hết hiệu lực (5 năm) thì phải kiểm định lại.
Yên tâm với BTS
Như vậy, nhằm bảo vệ cho người dân sống quanh các BTS khỏi ảnh hưởng của phơi nhiễm vô tuyến điện, Bộ TTTT đã yêu cầu nhà cung cấp TTDĐ phải thực hiện nghiêm các quy định nêu trên thông qua hình thức quản lý là kiểm định công trình viễn thông.
Mới đây Thanh tra Bộ TTTT cũng đã chỉ đạo cho sở TTTT các tỉnh, thành phố thanh tra diện rộng việc kiểm định công trình trạm BTS trên phạm vi cả nước và báo cáo kết quả về Bộ trước 15/10/2010. Hành lang pháp lý về lĩnh vực viễn thông ngày càng chặt chẽ hơn, để vừa đảm bảo phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành về an toàn sức khỏe cho con người.
Với những quy định và cơ chế giám sát hiện nay, chúng ta có thể yên tâm về sự ảnh hưởng của sóng BTS với sức khỏe người dân.
Tiêu chuẩn về quản lý an toàn đối với sóng điện từ: Việt Nam cao gấp 2 lần thế giới
Đây là ý kiến của Vụ Khoa học Công nghệ Bộ BCVT đưa ra tại cuộc họp sáng 23/3/2006. Theo đó, các giới hạn ảnh hưởng được nêu tại TCVN 3718-1:2005 (vừa được Bộ KH&CN ban hành thay thế TCVN 3718-82) quy định: mức ảnh hưởng tới những người làm nhiệm vụ lắp đặt, khai thác và bảo dưỡng các thiết bị phát sóng nằm trong dải tần số từ 400-3000000 MHz (sóng cho dịch vụ di động GSM và CDMA đều nằm trong giải tần này) là 10W/m2 (= 1mW/cm2; = 1.000 microW/cm2) và mức ảnh hưởng tới khu dân cư tại những khu vực có thiết bị phát sóng nằm trong dải tần trên là 2 W/m2.
Trong khi đó, theo khuyến nghị giới hạn của Ủy ban quốc tế phòng chống bức xạ phi ion hóa (ICNIRP) hai tiêu chuẩn trên lần lượt là 22,5 W/m2 và 4,5 W/m2. Như vậy, có thể thấy rằng tiêu chuẩn của Việt Nam còn chặt hơn gấp 2 lần tiêu chuẩn của ICNIRP (vốn được nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia khuyến nghị áp dụng).
Theo tính toán sơ bộ của Vụ KHCN, đối với các trạm thông tin di động có công suất phát trung bình là 20W, thì tầm ảnh hướng là trong phạm vi bán kính 8m tính từ tâm ăngten. Chiều cao trung bình hiện nay của các cột ăngten là 60m (nếu đặt trên mặt đất) và 15-20m (nếu đặt trên nóc nhà), vì vậy, có thể kết luận rằng, người dân sống xung quanh khu vực có đặt trạm thu phát sóng điện thoại di động đều an toàn, không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.