Có thể khẳng định, TKNL là giải pháp lựa chọn đầu tư phát triển năng lượng tối ưu nhất với chi phí thấp, hiệu quả cao, đáp ứng được các tiêu chí trong chính sách phát triển bền vững. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2013, sản lượng điện tiết kiệm của cả nước trung bình khoảng 1,9 tỷ kWh/năm, với giá trị tiết kiệm bình quân 2.757 tỷ đồng/năm (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Một con số không hề nhỏ.
Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ cho biết, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng NLTK và hiệu quả; trong đó Bộ Công Thương được giao làm đầu mối xây dựng và triển khai, Chương trình đã được thực hiện rộng rãi trên toàn quốc. Đơn cử như đến hết tháng 6/2014, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 6.215 chủng loại sản phẩm của 13 loại trang thiết bị phải dán nhãn theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đã tạo ra sự minh bạch về hiệu suất năng lượng giữa các thương hiệu, nhãn năng lượng đã tạo sự cạnh tranh giữa các thương hiệu lớn, cạnh tranh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp về đẳng cấp.
Hiện toàn quốc đã có trên 600.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời được lắp đặt và sử dụng phục vụ sinh hoạt trong các hộ gia đình, giúp giảm đáng kể việc tiêu thụ điện cho các hộ dân. Bộ Công Thương còn kết hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai hệ thống bình đun nước nóng mặt trời quy mô công nghiệp tại ba miền theo mô hình dịch vụ năng lượng (ESCO). Dự án triển khai đã tiết kiệm được hơn 2 GWh điện, tương đương với hơn 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chương trình phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội phụ nữ các tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ xây dựng hơn 3000 hầm Biogas quy mô gia đình tại 26 tỉnh, thành. “Với mạng lưới gồm 14 Trung tâm TKNL tại các tỉnh thành phố và gần 40 Trung tâm khuyến công, các trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ hoạt động TKNL đã được các địa phương triển khai mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) khẳng định.
*… đến những tồn tại
Trên thực tế, khi triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong bối cảnh khung pháp lý, thể chế, cơ chế chính sách về tài chính chưa hoàn thiện, thiếu những kinh nghiệm xây dựng các mô hình TKNL trong ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn đang là một trong những trở ngại thực thi chương trình TKNL tại Việt Nam.
Điều đó được thể hiện qua việc nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, doanh nghiệp không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL. Mặt khác do các khó khăn về tài chính nên các doanh nghiệp dừng triển khai các dự án TKNL, đặc biệt là các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như thép và xi măng.
Thực tế cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, TKNL còn gặp nhiều hạn chế. Hiện nay, Chương trình hỗ trợ 30% tổng số vốn đầu tư về dây chuyền công nghệ, thiết bị hiệu suất cao cho các doanh nghiệp và không quá 5 tỷ đồng cho một doanh nghiệp không còn thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ vì mức hỗ trợ này là khá thấp so với tổng mức đầu tư của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, thực trạng khai thác, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ năng lượng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Các cơ chế, chính sách về TKNL còn nhiều bất cập, lợi ích về TKNL chưa được xã hội và doanh nghiệp quan tâm. Trong khi đó, còn thiếu sự kết hợp giữa các Sở quản lý tại địa phương và lúng túng trong việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện các quy định của Luật cũng là những khó khăn trong việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, trong quá trình thực hiện Chương trình, EVN cũng gặp không ít những khó khăn: từ nhận thức hạn chế của một số cá nhân, tổ chức trong thực hiện chủ trương của Nhà nước về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Việc phát triển nhanh và nóng, vượt quy hoạch của một số ngành sản xuất công nghiệp và nông nghiệp luôn gây áp lực với phụ tải hệ thống điện.
Đơn cử như phong trào nuôi tôm nước lợ tự phát nhanh, ngoài quy hoạch tại một số tỉnh như Sóc Trăng, các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gần đây dẫn tới nhu cầu sử dụng điện để chạy quạt phục vụ nuôi tôm tăng cao. Tại một số tỉnh, nhu cầu điện cho nuôi tôm công nghiệp tăng đột biến (hơn 30% so với năm 2013 và cao hơn trong năm 2014, như Sóc Trăng). Nhiều hộ dân đã tự ý sử dụng điện sinh hoạt để chạy quạt phục vụ nuôi tôm nên xảy ra trình trạng quá tải cục bộ dẫn tới nhiều trường hợp trạm biến áp công cộng quá tải, cháy, nổ, gây mất điện liên tục, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Trong khi vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng các công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng thì năng lực sản xuất các sản phẩm, thiết bị trong nước có hiệu suất cao, TKNL còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác kiểm soát thị trường, đảm bảo hạn chế và cấm lưu hành các sản phẩm TKNL có chất lượng kém chưa được thực hiện quyết liệt.
*Cần sửa đổi chính sách phù hợp
Là một trong những trụ cột của ngành năng lượng Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có kinh nghiệm triển khai các dự án khí. Tuy nhiên, việc triển khai trong thời gian qua cho thấy việc thống nhất giá khí thường mất nhiều thời gian, kéo dài và là nhân tố then chốt. Với việc nguồn cung khí từ các mỏ hiện có đang dần bị suy giảm, sự chênh lệch về giá khí đầu vào từ các nguồn khí khác nhau ngày một mở rộng. Để đảm bảo nguồn cung cấp khí phục vụ cho nhu cầu năng lượng của quốc gia, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho rằng trong những năm tới Chính phủ cần thiết phải có những chính sách nhằm đột phá, giải tỏa các vướng mắc trên, đảm bảo lợi nhuận khuyến khích các nhà thầu đầu tư vào các dự án khí thượng/trung nguồn.
Cùng với đó, ông Khánh kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành các chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà máy lọc/hoá dầu nằm trong quy hoạch, nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm lọc/hoá dầu nhập khẩu. Một vấn đề cũng được ông Khánh đưa ra là do giá điện hiện nay chưa tiệm cận với giá thị trường nên cùng là nguyên nhân khiến người sử dụng điện chưa hiệu quả và tiết kiệm. Vì vậy Chính phủ xem xét, cân nhắc lộ trình điều chỉnh giá điện từng bước tiếp cận với giá thị trường.
Về phía EVN, ông Nguyễn Tấn Lộc cho rằng đã đến lúc Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong nước nghiên cứu cơ chế vay vốn linh hoạt, thủ tục đơn giản, dễ dàng cho các doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư, sử dụng các dây chuyền sản xuất, thiết bị máy móc có hiệu suất cao và TKNL. Đồng thời, xem xét hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong nước chuyển đổi sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao theo hướng Chính phủ trực tiếp hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước để giảm giá thành sản phẩm. Mặt khác, xem xét cơ chế giá điện hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển các dạng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời hay áp dụng giá điện cao hơn đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các chính sách, quy định về TKNL.
Ông Lộc cũng đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) trong nước phát triển; khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tham gia cung cấp các dịch vụ TKNL; quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải áp dụng các giải pháp TKNL do các Công ty ESCO cung cấp. Trước mắt, các Bộ Công Thương và Tài chính sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cơ chế tài chính cho các hoạt động sử dụng NLTK và hiệu quả;
Về phía Bộ Công Thương, trong những năm tới, Tổng cục Năng lượng sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ để đẩy mạnh việc triển khai chương trình sử dụng NLTK và hiệu quả. Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, trước tiên là phải tiếp tục tuyên truyền phổ biến thông tin vận động cộng đồng nâng cao nhận thức thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đưa chương trình thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội. Từ đó, đẩy mạnh triển khai xây dựng mô hình hộ gia đình TKNL, chương trình dán nhãn năng lượng.
Theo ông Thọ, tới đây, Tổng cục Năng lượng sẽ tiếp tục xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng cho một số ngành công nghiệp như gang thép, công nghiệp đồ uống, giấy và bột giấy, chế biến thủy sản... và kế hoạch hành động, lộ trình thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời xây dựng và triển khai các cơ chế tài chính thúc đẩy các dự án đầu tư vào TKNL như các cơ chế cho vay ưu đãi, cơ chế hợp đồng ESCO…/.