Thiếu điện thì kinh tế không phát triển được. Giá điện cao thì mọi thứ giá khác cũng cao theo. Còn trong cuộc sống hàng ngày, không ai là không thấy khó chịu khi khu vực mình bị cắt điện luân phiên, nhất là khi trời nóng trên 38 độ.
Lâu nay ta vẫn thiếu điện, mà ngày càng thiếu nhiều hơn. Tính đến tháng 11/2009 ta đã phải mua từ Trung Quốc 2,302 tỉ kwh. Giá điện thì vẫn tiếp tục tăng.
Nguồn năng lượng của nước ta hiện nay có công suất phát điện lắp đặt toàn quốc là 19000 Mw, sản lượng 112,658 tỉ kwh.
Năm 2020 phải đạt 52642 Mw, trong đó 4000Mw điện hạt nhân (dự kiến sẽ nhập thêm 4000 Mw điện hạt nhân nữa). Sản lượng điện là 294,012 tỉ kwh.
Từ nay đến năm 2020 phải tăng thêm 33642 Mw lắp đặt. Sản lượng tăng thêm 181,354 tỉ kwh. Những con số đó là lớn, không dễ đạt được, nếu không có hướng đi hợp lý và nỗ lực cao.
Điểm qua các nguồn năng lượng:
Điện hạt nhân:để xây dựng được 4.000 Mw điện hạt nhân vào năm 2020 phải tốn 12 tỉ USD.
Tiền nhiên liệu: Ngay giai đoạn đầu cần 900 triệu USD, sau đó cứ 18 tháng lại thêm 320 triệu USD, cần phải có một đội ngũ cán bộ, nhân viên rất chuyên môn và kỷ luật cao từ 700 đến 900 người. Thêm vào đó là chi phí xử lý các thanh nhiên liệu khi đã sử dụng xong.
Tất cả những chi phí trên làm cho giá thành điện năng của điện hạt nhân đến 5.000 đồng/kwh. Vì vậy chỉ với 7,5% tổng công suất, điện hạt nhân đẩy giá thành điện năng của cả hệ thống lên thêm 255đ/kwh.
Như vậy điện hạt nhân trong điều kiện hiện nay ở nước ta chưa thể là nguồn điện thay thế. Thậm chí chưa là nguồn bổ sung vì giá thành cao quá, các điều kiện kỹ thuật và an toàn khó vượt qua.
Nhiệt điện:
Điện khí: cho đến nay có công suất 3.859 Mw. Phần này khó tăng thêm vì nếu tăng, phải nhập khí, khá đắt.
Điện than: nếu phần tăng thêm công suất 33.642 Mw từ nay đến 2020 do điện than gánh chịu toàn bộ thì than cho phần này là 74 triệu tấn/năm, thành tiền là 80.423 tỉ đồng/năm.
Nhưng điều bất lợi nhất của nhiệt điện là phát khí thải: cứ 1000 Mw điện than, mỗi năm thải ra 7 triệu tấn dioxit cacbon (gây hiệu ứng nhà kính), 200.000 tấn dioxit sulfur (gây mưa axit) trong khi ngày nay trào lưu chống khí thải ngày càng mạnh và có qui mô toàn cầu.
Phong điện:
Trước hết là điện năng sạch không gây ô nhiễm môi trường: giá thành xây dựng là 50 tỉ/Mw. Giá thành điện năng là 1.650 đồng/kwh, chiếm diện tích đất 7,4 ha/MW. Phong điện hiện nay giá thành còn cao. Thời gian hoàn vốn khá lớn. Vì thế mà các nhà đầu tư còn ngần ngại.
Theo tính toán của ngân hàng thế giới (WB) tiềm năng phong điện ở nước ta tới 51.360 Mw.
Thủy điện: Là nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
Giá thành xây dựng là 30 tỉ/Mw. Giá thành điện năng: 900 đ/kwh, rẻ nhất trong tất cả các nguồn.
Nhưng hiện nay còn nhiều ý kiến, kể cả một số nhà khoa học, nhà quản lý, phản đối lại việc phát triển mạnh mẽ thay điện với các lý do và tôi sẽ phân tích tình hình thực tế của những lo ngại đó.
Nguồn thủy năng nay đã cạn, không còn chỗ để làm thủy điện?
Trong cả nước hiện có 5579 hồ chứa trong đó mới có một số hồ có lắp phát điện. Còn hàng nghìn hồ có thể đưa phát điện vào. Chỉ tính trung bình mỗi hồ lắp được 1 Mw phát điện thì sẽ có được hàng nghìn Mw lắp máy.
Ở Việt Nam có 2.360 con sông dài trên 10 km. Tiềm năng thủy điện trên các con sông đến 30.000 Mw. Hiện nay có 1.097 dự án thủy điện. Trong số dự án trên, lại chỉ mới triển khai 40% trong đó: 195 dự án đã phát điện với tổng công suất 11.000 Mw, cung cấp 40 % sản lượng điện trong cả nước, 245 dự án đang xây dựng với tổng công suất trên 7.000 Mw. Hiện còn 657 dự án chưa đầu tư.
Nghĩa là số công trình thủy điện đã và đang xây dựng mới chỉ chiếm một nửa số dự án. Như vậy nếu triển khai hết số dự án đã có thể đủ cho nhu cầu phát triển năng lượng trong thập niên tới.
Thủy điện gây ngập nhiều đất đai?
Theo thống kê thật chi tiết thì bình quân thủy điện chiếm 6 ha/Mw, ít hơn phong điện. Nhưng đất gây ngập, phần lớn là lòng sông cũ và triền sông, thường là đá, không có cây hoặc phần nhiều là cây lúp xúp, thân thảo.
Thí dụ: thủy điện Sông Tranh 2: tổng diện tích đất chiếm 21,5 km2. Trong đó đất nông nghiệp là 5,6 km2 (26 %), đất ở 0,26 km2 (1,2 %). Còn lại phần lớn là đất hoang hóa, triền đá, đều được tính là đất lâm nghiệp. Tuy vậy, tổng tiền đền bù tới 319 tỉ đồng
Thủy điện làm gia tăng lũ ở hạ du?
Dư luận về thủy điện làm gia tăng lũ là xuất phát từ hồ thủy điện A Vương trong trận lũ 2009.
Trước khi lũ về đã tháo cạn dung tích phòng lũ là 145 triệu m3. Cửa xả đóng từ lúc bắt đầu lũ cho đến 32 giờ sau, hứng trọn phần đỉnh lũ, chứa vào hồ với lưu lượng lúc lớn nhất là m3/s.
Khi được lệnh xả lũ, lưu lượng dòng lũ lúc đó đã giảm xuống và bằng 2000 m3/s, mở cửa xả. Dòng lũ ào xuống hạ du. Nhân dân ở hạ du thấy dòng lũ lớn (2000m3/s) đột ngột từ trong hồ ào ra, cho rằng hồ thủy điện tạo ra lũ “nhấn chìm hạ du” .
Thực ra lúc đó dòng lũ vào từ phía thượng lưu bao nhiêu lại xả ra hạ lưu vì hồ đã đầy không chứa thêm được nữa. Trong khi đó hồ vẫn chứa 145 triệu m3 nước, điều tiết được 50%: hạ từ lưu lượng đỉnh lũ 4000 m3/s đến lúc xả ra hạ du là 2000 m3/s.
Thủy điện gây ra hạn ở hạ du?
Thủy điện khác với nhiều mục tiêu sử dụng nước khác là không tiêu hao nước mà chỉ điều hòa dòng chảy.
Dưới đây nêu tên một số hồ chứa và lưu lượng bổ sung từ hồ ra trong mùa kiệt (Q m3/s). Nếu lượng nước trữ được trong mùa lũ sẽ phân phối đều cho suốt 8 tháng mùa kiệt:
- Yaly (47), Bình Điền (20), A Vương (12,6), Nậm Chiến (7,3), Đa Nhim (7,8), An Khê-Kanak (13,78), Sông Tranh 2 (24,7).
- Tuyên Quang (106), Hàm Thuận-Đa My (31,26), Sông Ba Hạ (18,73), Sê San 3A (3,82), Định Bình (8,06), Ayun Hạ (12)
Thí dụ: Hồ Sông Tranh 2, dòng chảy thiên nhiên ở hạ du trong tháng 4 là 29,4 m3/s, theo trên hồ có thể bổ sung thêm 24,7 m3/s. Như vậy dòng chảy trong sông ở hạ du, trong tháng 4 là 58,8 m3/s
Qua những con số nêu trên thấy rằng những suy luận về thủy điện làm gia tăng lũ, hạn là trái lô gic và ngược lại với thực tế. Nhưng tại sao lại có thể tạo ra luồng dư luận mạnh mẽ như vậy.
Cũng là do thời tiết thời gian qua biến đổi dữ dội: Ở Đà Nẵng từ 2005 đến 2011, mỗi năm trung bình có 4 đến 6 trận bão lũ trên báo động cấp 3. Hệ thống Đồng Cam, mực nước xuống thấp nhất kể từ 81 năm nay. Lũ miền Trung vốn đã dữ dằn, mấy năm vừa qua trở thành những cơn cuồng lũ, quậy phá ghê gớm vùng hạ du.
Người dân miền Trung bàng hoàng nhìn những con sông, nay sao quá hung hãn. Chỉ thấy là những công trình thủy điện mới mọc lên, chắn ngang dòng sông. Lại thấy nước từ hồ thủy điện ào ạt chảy ra. Thế là thủy điện trở thành thủ phạm gây ra lũ tăng, hạn nặng, ô nhiễm môi trường ...
Nhưng thực tế thì như đã nêu trên: Hồ A Vương với dung tích phòng lũ bằng 14% tổng lượng lũ 2009 mà hạ được lưu lượng lũ lớn nhất ở hạ du xuống 50% .
Về chống hạn: Rất nhiều hồ thủy điện có thể bổ sung lưu lượng cho hạ du, vào mùa kiệt.
Những trường hợp đặc biệt: dung tích hồ nhỏ quá (thường với thủy điện điều tiết ngày) chỉ trữ nước đơn thuần cho thủy điện mà không điều tiết được lũ, hạn.
Nhưng không hồ nào có thể tăng thêm lũ, hạn được. Có 2 trường hợp chuyển nước sang sông khác. Tuy hiệu ích chung tăng lên nhiều nhưng gây khó khăn cục bộ cho một số nơi. Cần phải có hợp đồng thỏa thuận cụ thể.
Có thể khẳng định là thủy điện ngoài nhiệm vụ lớn là phát điện còn phòng lũ, tưới tiêu.
Hướng tối ưu trong phát triển năng lượng
Phát triển năng lượng là vấn đề khẩn thiết. Hướng đi đúng là rẻ, sạch, an toàn. Để đủ nguồn năng lượng, từ nay đến năm 2020 phải xây dựng thêm 33.642 Mw. Sản lượng tăng thêm 181,354 tỉ kwh.
Nếu thủy điện đảm nhận toàn bộ phần này thì cần 1,3 triệu tỉ đồng, tức là mỗi năm trung bình cần 130 nghìn tỉ đồng. Nếu là phong điện số tiền cần thiết sẽ gấp 2,7 lần. Xem ra ngoài hai loại nguồn này, những nguồn khác chỉ có thể là nguồn bổ sung vì có giá thành cao quá hoặc có những bất lợi khác.
Với thủy điện: giá thành rẻ là do phần công trình, chiếm 85% giá thành đã nội địa hóa hoàn toàn.
Nếu lãi suất vay và các điều kiện quản lý được cải thiện, các công ty cổ phần có thể đảm nhiệm phần lớn làm cho điều kiện phát triển thủy điện hoàn toàn khả thi lại còn hỗ trợ lớn cho thủy lợi, nông nghiệp. Còn nếu chọn nguồn năng lượng đắt quá thì dự án có thể trở thành bất khả thi