Theo nhiều chuyên gia tuyển dụng, có 5 sai lầm lớn nhưng rất phổ biến mà các sinh viên mới ra trường thường mắc phải đó là:
1. Nhờ cha mẹ gây ảnh hưởng với nhà tuyển dụng. Nếu cha mẹ bạn thường xuyên can thiệp vào mọi khía cạnh trong đời sống của bạn thì lúc bạn tìm việc làm là lúc họ dừng sự can thiệp đó lại. Ivey, một chuyên gia tuyển dụng nói: “Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là chưa trưởng thành và không chuyên nghiệp nếu bạn nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ.”
2. Sai lầm trong sử dụng Internet. Một số sinh viên bày tỏ thái độ đối với một công việc, một công ty hay một nhân vật nào đó mà họ không ưa trên blog hoặc mạng xã hội ảo MySpace. Điều này khá nguy hiểm vì nhà tuyển dụng sẽ sử dụng Google để tìm kiếm thông tin về bạn. Tốt nhất là bạn nên chắc chắn là những thông tin trên mạng có liên quan đến bạn đừng xúc phạm đến ai.
3. Không biết cách tìm việc thông qua người quen. Giám đốc một công ty tuyển dụng uy tín nói: “Nhiều khi, bạn không nghĩ tới kết quả mà những mối quan hệ của bạn có thể đem lại. Nếu bạn ngồi xuống và viết một danh sách những người mà bạn biết, bạn sẽ nhận ra mạng lưới quan hệ xã hội của bạn thật rộng lớn. Và những người trong mạng lưới đó lại có mạng lưới của riêng họ.” Do vậy, bạn nên để mọi người biết là bạn đang tìm việc và công việc mà bạn mong muốn. Sau đó, bạn nên sử dụng bất kỳ thông tin tuyển dụng nào mà mạng lưới quan hệ của bạn cung cấp.
4. Không biết nói “Cảm ơn.” Viết một email ngắn để cảm ơn người đã giúp đỡ mình không phải là một việc khó khăn. Thế nhưng, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp chưa là m được điều này.
5. Trả lời điện thoại chưa đúng cách. Một số nhà tuyển dụng cho biết, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp thậm chí sử dụng tiếng lóng khi nói chuyện với họ. Nếu nhà tuyển dụng gọi điện cho bạn khi bạn đang ở một nơi mà việc nói chuyện qua điện thoại gặp khó khăn, chẳng hạn khi bạn đang đi trên đường hay ở trong sân vận động, tốt nhất bạn nên xin lỗi và hẹn gọi lại họ vài phút sau để có thời gian đi tới một địa điểm thích hợp. Ngoài ra, bạn nên có thái độ bình tĩnh, lịch sự và sử dụng ngôn từ của một người trưởng thành khi trò chuyện.