Bất kể nói về cách mạng công nghiệp 3.0 hay thời đại 4.0 thì tiếng Anh – ngôn ngữ toàn cầu vẫn sẽ thống lĩnh trên các mặt trận kinh tế, xã hội trên thế giới. Nếu không thành thạo nó, bạn không thể nào vượt ra khỏi “chữ S” Việt Nam.
1. Tiếng Anh được coi là Kỹ năng nền tảng, mấu chốt (English Skills)
Bất kể nói về cách mạng công nghiệp 3.0 hay thời đại 4.0 thì tiếng Anh – ngôn ngữ toàn cầu vẫn sẽ thống lĩnh trên các mặt trận kinh tế, xã hội trên thế giới. Nếu không thành thạo nó, bạn không thể nào vượt ra khỏi “chữ S” Việt Nam. Trong khi đó, công việc đang có xu hướng mở rộng ra ngoài thế giới. Vậy nên, nếu không có tiếng Anh, bạn làm sao có thể tiếp cận được các cơ hội như thế?
Hơn bao giờ hết, bạn cần xem việc học tiếng Anh giống như rèn luyện 1 kỹ năng “sống còn như bơi lội”, chứ không còn là một “môn học” trong trường lớp. Nghĩa là phải làm sao để ngôn ngữ này được thực hành thường xuyên trong thực tế cuộc sống, công việc của bạn.
Nếu bạn muốn nâng cao được kỹ năng tiếng Anh của mình để thích nghi được trong cuộc cách mạng 4.0 này, thứ tiếng Anh bạn tiếp cận không thể như nhiều năm, thậm chí hơn chục năm trước đây bạn được học.
Tôi không phủ định sự không quan trọng của ngữ pháp tiếng Anh – những gì trước đây chúng ta được học. Bởi nó cũng là 1 trong những kỹ năng tiếng Anh quan trọng giúp bạn giao tiếp được ngôn ngữ này. Thế nhưng, học ngữ pháp như thế nào để có hiệu quả trong giao tiếp tiếng Anh là điều quan trọng hơn.
Trong cuốn sách “9 Chiến lược học tiếng Anh thành công cho người Việt”, tôi đã giúp bạn học ngữ pháp tiếng Anh thế nào sao cho đơn giản, dễ hiểu mà hiệu quả hơn – mà bạn chỉ cần những điều này đã có thể chinh phục được ngữ pháp tiếng Anh rồi.
Thế nhưng, để tự tin và giao tiếp hiệu quả với tiếng Anh, bạn cần hơn những kỹ năng khác. Mà trước tiên, phát âm đúng, chính xác là điều kiện cơ bản trước khi bạn muốn nghe được, nói được tiếng Anh.
Vậy nên, nếu muốn giao tiếp được tiếng Anh tự tin và hiệu quả, hãy bắt đầu từ Học Cách phát âm tiếng Anh trước nhé.
2. Kỹ năng Công nghệ thông tin (IT Skill)
Cuộc cách mạng lần này có thể sẽ dẫn tới những bất công lớn khi tự động hóa có thể thay thế con người trong một vài vị trí dẫn tới dư thừa lao động. Vì vậy với sự bùng nổ này, kỹ năng quan trọng sẽ là kỹ năng công nghệ thông tin (khoa học máy tính).
Kỹ năng IT như: kỹ năng lập trình, kỹ năng quản lý dự án, dữ liệu, quy trình, tạo lập và sử dụng các ứng dụng, phần mềm công nghệ,…
Các trào lưu công nghệ trên thế giới sẽ có những tác động đến thị trường IT Việt Nam bao gồm điện toán đám mây, javascript, Dữ liệu lớn (Big data), an ninh mạng, vạn vật kết nối (Internet of Things). Nếu bắt kịp kiến thức về những công nghệ mới nhất, quan trọng nhất, dù bạn không phải đã từng là lập trình viên hay chuyên gia máy tính, bạn vẫn có thể thích ứng với mọi thay đổi về công nghệ và làm chủ nó dễ dàng.
Ngành giáo dục trong thời đại cách mạng 4.0, học sinh sẽ không còn phải nghỉ học vì trời quá lạnh, quá nắng hay bị đau chân không đến lớp được? Việc điểm danh tại lớp cũng có thể sử dụng công nghệ thực tế ảo. Thầy giáo có thể dạy từ Anh, Mỹ xa xôi với học trò đến từ khắp các châu lục và vẫn có thể tương tác với nhau như đang ngồi trong cùng một nơi. Khoảng cách về không gian, địa lý và thời gian không phải là rào cản.
Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém. Đó là mối quan hệ giữa công nghệ thông tin và tiếng Anh. Cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội mới cho những người hiểu biết về Công nghệ thông tin, về khoa học máy tính. Thế nhưng, đó cũng là thách thức, là rào cản vô cùng lớn với bạn nếu bạn không có tiếng Anh.
Vậy nên, tiếng Anh và IT được coi là 2 kỹ năng bạn cần phát triển song hành trong thời đại công nghiệp 4.0 này.
3. Kỹ năng Tư duy phản biện – Giúp bạn không còn là 1 cái “máy làm việc” (Critical Thinking)
Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng gần đây tư duy phản biện mới thật sự được quan tâm tại Việt Nam. Nó cũng chính là một điểm yếu “chết người” mà rất nhiều người mắc phải.
Nói một cách dễ hiểu, khi bạn không có tư duy (tinh thần) phản biện, bạn làm việc như một cái máy, bạn lắng nghe như một con robot. Sếp nói gì bạn làm nấy. Trong cuộc thảo luận, bạn chỉ biết nghe ý kiến của người khác, sau đó làm theo mà không có lập trường hay ý kiến của riêng mình.
Tôi hiểu rõ “cách thức làm việc” này vì các công việc hầu như mang tính chất “rập khuôn”, có khuôn mẫu sẵn ngày này qua ngày khác. Và bạn được “lập trình sẵn” như 1 cái máy, cứ vậy làm theo.
Thế nhưng, bạn nên nhớ rằng, đó là thời đại trước đây, 1.0, 2.0 thậm chí 3.0 gì đó. Còn trong hiện tại và sắp tới, là Cách mạng công nghệ 4.0. Điều đó có nghĩa, bạn không thể như 1 cái máy. Bạn phải có ý kiến, quan điểm, tư duy, sự sáng tạo của riêng mình.
Hiểu một cách đơn giản, bạn phải có tư duy chất vấn, đóng góp, phản biện (phản bác) lại những gì bạn cho là có thể khác, có thể có cách giải quyết khác.
Việc rèn luyện tư duy phản biện là vô cùng cần thiết, bởi nhờ có tư duy phản biện, bạn sẽ hình thành thói quen, biết cách tiếp cận vấn đề đa chiều, linh hoạt; có khả năng quan sát, phân tích và nhìn nhận thấu đáo, từ đó dễ thích nghi trước mọi đổi thay trong cuộc sống, công việc.
4. Với Kỹ năng sáng tạo – Bạn chủ động được với mọi thay đổi (Creative Skill/Inspiring Innovation)
Cũng giống như sự tự tin, sáng tạo là kết quả của một quá trình rèn luyện, học hỏi, phát triển kỹ năng.
Có khả năng sáng tạo, bạn sẽ bẻ gãy tư duy đóng khung (fixed mind), luôn tìm tòi và phát hiện ra các khía cạnh mới của vấn đề, chủ động giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
Mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng, đó là thông tin mỗi ngày, là công nghệ hàng tháng. Nếu bạn không rèn luyện, phát triển khả năng sáng tạo của mình, mọi thứ bạn có trong đầu chỉ dừng lại ở những thứ bạn đã biết. Vậy thì làm sao bạn có thể thích ứng được với những thông tin mới hơn từng ngày như thế.
Tôi từng nghe người ta nói rằng: khi được chọn 1 trong 2 tờ giấy, người bình thường sẽ chọn tờ giấy có dòng kẻ. Nhưng kẻ sáng tạo sẽ lấy tờ giấy trắng tinh không chứa dòng kẻ. Vì có như thế, họ mới vẽ được những gì họ muốn, thỏa sức sáng tạo của mình.
5. Kỹ năng giao tiếp – Chìa khóa vàng của mọi thành công (Communication Skill)
Thực tế cho thấy, khi bạn giao tiếp tốt hơn bạn của bạn, bạn có khả năng thành công cao hơn trong cuộc sống. Giao tiếp tốt mới là điều kiện tiên quyết để bạn hòa nhập với bất kỳ môi trường nào, vừa giúp bạn có được cơ hội công việc tốt hơn, vừa thúc đẩy sự phát triển của cá nhân nữa.
Nhưng giao tiếp với ai mới là điều quan trọng. Khi bạn suốt ngày giao tiếp với những đứa bạn hay đồng nghiệp, những người có tư duy tiêu cực xung quanh cuộc sống của bạn thì hiệu quả giao tiếp sẽ khác với những người có tư duy tích cực, những người thầy của bạn.
Người ta nói rằng, cách bạn giao tiếp sẽ góp phần tạo nên ấn tượng của người khác về bạn. Nếu bạn nói chuyện rõ ràng, tự tin, ấn tượng về bạn sẽ tốt hơn. Chẳng ai thích nói chuyện với những người nói năng lí nhí, không gãy gọn, hay nói chuyện không có ngữ điệu lên xuống, nói “xối xả”, nói 1 tràng dài.
Nhiều người nói rằng, tôi là người hướng nội nên ít khi giao tiếp với người khác. Thành ra, không tự tin khi nói chuyện.
Thế nhưng, cũng giống như sự tự tin, bạn cần quá trình rèn luyện mỗi ngày. Đừng nghĩ rằng, người ta giao tiếp giỏi, trở thành diễn giả nọ kia do người ta có thiên phú nói chuyện từ nhỏ. Thực tế, họ cũng đã phải luyện tập rất nhiều để nâng tầm kỹ năng giao tiếp của mình.
Vậy nên, nếu bạn muốn nâng tầm khả năng giao tiếp của mình, bạn có thể phát triển nó thông qua nhiều hoạt động khác nhau, từ nói chuyện trước gương, trò chuyện đơn giản cùng mọi người xung quanh đến thuyết trình trước đám đông, tranh biện với người khác.
Bạn phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp mỗi ngày để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn không chỉ trong cuộc sống mà còn công việc của bạn.
6. Kỹ năng hợp tác – Để cùng thích ứng với cuộc Cách mạng 4.0 (Teamwork & Collaboration Skill)
Dù muốn hay không con người vẫn không ngừng hợp tác với nhau để chinh phục thiên nhiên hay giải quyết các vấn đề xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với kinh tế xã hội và tri thức như hiện nay, con người lại càng cần hợp tác hơn bao giờ hết. Nó chính là giải pháp chủ yếu để bạn, bạn của bạn, tất cả chúng ta có thể chung sống và phát triển cùng nhau.
Nếu bạn không có khả năng làm việc đội nhóm, hay thiếu tinh thần hợp tác, tương trợ với đồng nghiệp, đối tác thì điều đó đồng nghĩa với sự trì trệ và kém phát triển.
Tôi hiểu, bạn cũng cần có ý kiến riêng. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể lúc nào cũng học tập hay làm việc 1 cách độc lập, riêng rẽ mà cần có sự hợp tác để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Một vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn khi có sự đóng góp ý kiến, ý tưởng từ những người khác. Một đội nhóm hiệu quả khi các cá nhân trong nhóm có sự kết hợp hiệu quả với nhau để hoàn thành công việc.