Cùng với xu hướng công nghệ luôn phát triển và những đòi hỏi từ thực tế không ngừng tăng thêm, ngành điện - điện tử được dự báo có nhu cầu nhân lực lớn và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
Cùng với xu hướng công nghệ luôn phát triển và những đòi hỏi từ thực tế không ngừng tăng thêm, ngành điện - điện tử được dự báo có nhu cầu nhân lực lớn và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
Tiềm năng tăng trưởng
Dẫn số liệu của US News năm 2013, tại Mỹ, nghề kỹ sư điện hiện xếp ở vị trí thứ 8 trong danh sách 10 công việc có mức lương khởi điểm cao với mức lương trung bình hàng năm là 54.400 USD. Còn tại Úc, kỹ sư điện là một trong những nghề có mức tăng trưởng cao nhất trong những năm qua với tỷ lệ tăng trưởng lên đến 47,4% so với mức 7,8% chung của tất cả các ngành.
Theo số liệu thống kê tháng 11/2012, có khoảng 25.100 lao động hiện đang làm việc trong ngành này và dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 10.000 - 25.000 lao động cho tới tháng 11/2017. Kỹ sư điện tại Úc chủ yếu làm những công việc toàn thời gian (chiếm 95,5%) với thời gian làm việc trung bình là 41,7 giờ/tuần và thu nhập trước thuế là 1.841 AUD/tuần.
Tại Việt Nam, dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2020 đến năm 2025: Ngành Điện - Điện tử nằm trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu luôn dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng nhân lực.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực có thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh nhóm ngành này hiện chỉ đạt khoảng 55%. Vì vậy, cơ hội việc làm cho những sinh viên theo học những nhóm ngành nói trên là rất cao.
Hiện nay, các nhà máy đều đang hướng đến tự động hóa điều khiển máy móc thông qua các hệ thống điều khiển. Công việc thiết lập nên các hệ thống điều khiển tự động này chính là công việc của ngành Điện - Điện tử.
Kỹ sư ngành Điện - Điện tử có thể tìm kiếm được nhiều vị trí làm việc tại công ty điện lực; các nhà máy sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện; các phòng thí nghiệm, cơ sở kinh doanh, nghiên cứu về quy hoạch mạng lưới điện. Kỹ sư Điện - Điện tử còn có thể tham gia công tác trực tiếp hoặc tư vấn thiết kế, vận hành mạng lưới điện tại tất cả công ty, nhà máy sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất công nghiệp tự động hóa và điện tử hóa cao…
Đối với sinh viên hệ CĐ, TC nghề, THCN có thể làm việc với vai trò là người trực tiếp lao động, vận hành trong tất cả lĩnh vực trên hoặc tham gia thiết kế, tư vấn việc sử dụng điện và các thiết bị điện tử cho các công trình vừa và nhỏ.
Đào tạo nhiều trình độ khác nhau
Đặc điểm chung nhất của ngành Điện - Điện tử là xây dựng hệ thống điều khiển tự động bằng tín hiệu điện; và kiểm soát các thông số điện đến máy móc một cách tự động. Do vậy ngành đào tạo tập trung vào nguyên lý và ứng dụng của các thiết bị trong hệ thống này.
Ở bậc ĐH, kỹ thuật Điện - Điện tử còn được nhiều trường phân ngành chuyên sâu hơn như điều khiển tự động, điện tử viễn thông... Các chuyên ngành này đều trang bị, cập nhật cho sinh viên những kiến thức cơ bản và chuyên ngành về kỹ thuật, thiết kế, điều hành sản xuất trong lĩnh vực mình đã lựa chọn.
Cụ thể, sinh viên sẽ được học những kiến thức liên quan đến khí cụ điện hạ áp, hình họa, vẽ kỹ thuật, máy điện, vật liệu điện, đo lường điện, vẽ điện, kỹ thuật truyền thanh, kỹ thuật truyền hình, kỹ thuật siêu âm, kỹ thuật cao tần, mạch điện, an toàn điện...
Đặc biệt, đây là một ngành học đòi hỏi phải được thực tập nhiều nên trong quá trình học, mỗi sinh viên cũng phải trải qua hàng chục phần thực hành khác nhau. Ở các bậc CĐ, TC nghề, THCN và CNKT, tuy lượng kiến thức được đào tạo không nhiều như bậc ĐH nhưng người học có cơ hội được thực hành nhiều hơn.
Hiện nay ở hầu hết các trường tuyển sinh khối ngành kỹ thuật đều có ngành Điện - Điện tử. Tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ (hoặc hệ CĐ trong các trường ĐH) bằng khối A. Các trường THCN, CNKT thường tổ chức thi riêng (có đề thi riêng với hai môn Toán - Tý). Với hệ THCN, CNKT trong các trường ĐH, CĐ, đa số các trường sẽ lấy kết quả thi khối A trong kỳ thi ĐH hoặc CĐ để xét tuyển.
Nguồn: Internet