Nhà máy dùng điện năng dư thừa để sản xuất nhiên liệu sinh học
Nhà máy của công ty Electrochaea là nơi đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ chuyển đổi điện năng thành metan - một loại nhiên liệu sinh học.
Ông Mich Hein - Giám đốc điều hành Công ty Electrocaea - cho hay: "Công nghệ này cho phép chúng ta sản xuất được một nguồn năng lượng sạch từ lượng điện dư thừa, đồng thời thay thế dần các loại nhiên liệu hóa thạch mà vẫn có thể tận dụng các cơ sở hạ tầng phân phối khí đốt hiện có".
Để thực hiện việc này, đầu tiên các chuyên gia sử dụng điện để phân tách hydro và oxy từ nước. Hydro sau đó được cho vào một bể chứa các vi sinh vật archaea. Khí CO2 từ nguồn sinh học hoặc công nghiệp sau đó được thêm vào, để tạo ra metan.
Bà Doris Hafenbradl - Trưởng Bộ phận Kỹ thuật Công ty Electrocaea - cho biết: "Các vi sinh vật trong bể chứa sẽ hấp thụ CO2 và chuyển thành khí metan. Lượng khí này sau đó sẽ được chuyển tới toàn bộ hệ thống mạng lưới cung cấp và sử dụng để chạy xe, sưởi ấm".
Theo các chuyên gia, không chỉ giúp tận dụng nguồn năng lượng dư thừa, biện pháp này còn góp phần giảm thiểu lượng CO2 thải ra bầu khí quyển.