Người Thầy một đời thầm lặng

Tôi là một giảng viên, tuổi đời, tuổi nghề đã lớn. Tôi cũng có một thời đi học, cũng để lại trong tôi nhiều dấu ấn, nhiều kỉ niệm sâu sắc. Tháng 11 đã về khiến tôi nhớ những người thầy của tôi, cả những người đang còn hiện hữu và những người đã đi xa. Nhớ đến công ơn các thầy cô, tôi luôn nhắc nhở mình phải làm tốt hơn công việc trồng người và đó là cách trả ơn tốt nhất mà thầy cô mong muốn.

Nhưng hôm nay tôi lại muốn viết về một người Thầy cả đời cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục, ít có thời giờ đứng lớp nhưng đã tiếp thêm cho tôi tình yêu nghề và truyền cho bao thế hệ học trò miền tin, niềm đam mê mãnh liệt với cuộc sống và tương lai. Trong lòng tôi, Bà là một “Nhà giáo ưu tú”. Các bạn sẽ tự hỏi Bà là ai, đúng không? 

Bà sinh ra từ một miền quê nghèo của vùng đồi núi Tam Phú, Tam Kỳ - Quảng Nam. Bà kể, Bà thường nghe người Cha của Bà hay nói với Bà từ lúc nhỏ “Đất xấu chậm trổ hoa, người nghèo chậm tấn phát, nên con phải học”, khiến cô học trò nghèo nung nấu một quyết tâm. Với ý chí đó, suốt thời đi học Bà luôn là một học sinh ưu tú về mọi mặt. Tốt nghiệp đại học Tổng hợp Huế, ngành Sinh Hóa xuất sắc, khi tốt nghiệp ra trường, bà được nhà trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là trường Khoa học Huế) giữ lại làm giảng viên giảng dạy tại khoa Sinh hóa. Thời đó đỗ đại học là một niềm hãnh diện của cả họ mà còn được giữ lại trường làm giảng viên đại học là niềm mơ ước của nhiều người. Với triết lí “Học để ứng dụng, học để làm”, nên trong thời gian ở lại trường, Bà đã đi học và thực tập ở hầu hết các nhà máy sản xuất bia và thực phẩm lớn nhỏ trên khắp cả nước. Rồi ít lâu sau Bà đã rời ngôi trường Đại học để thử sức với cuộc đời rộng lớn, đem kiến thức đã học ứng dụng vào thực tế sản xuất để phát triển kinh tế. Công ty Bia Khuê Trung do Bà tự khởi nghiệp từ thập niên 90 ra đời, đã đóng góp không nhỏ vào thời kì đầu đổi mới tại Quảng Nam – Đà nẵng mà người dân ở đây thời đó ai cũng biết.

Thế rồi, như nhân duyên từ kiếp trước truyền lại, từ hai người Thầy đầu tiên, một là Cha Nguyễn Trường Thanh và một là Mẹ Phạm Thị Hồng đều là giáo viên mẫu mực, là tấm gương hiếu học và cũng từ ngôi trường Đại học Khoa học Huế với những năm làm giảng viên giảng dạy ở bộ môn Sinh hóa vi sinh, nên duyên nghiệp trở lại lần thứ 2 với Bà. Nên vào năm 2002, ngôi trường Trung học chuyên nghiệp tư thục Công kỹ nghệ Đông Á ra đời tại Đà Nẵng, với ước mơ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp để đóng góp cho quê hương. Sau 6 năm phát triển, Bà nhận thấy nhu cầu doanh nghiệp ngày càng đa ngành, đa lĩnh vực nên ngôi trường cần chuyển hướng đào tạo bậc cao hơn. Nên cũng lúc này, Bà tập trung vào học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ từ thạc sĩ lên Tiến sĩ Quản lí giáo dục. Để rồi, vào ngày 21 tháng 5 năm 2009, một lần nữa, ngôi trường Đại học Đông Á tại thành phố Đà Nẵng xinh đẹp được gọi tên trong danh sách các trường đại học Việt Nam. Đến nay, ngôi trường đã qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển.

Bà thường nói vui với chúng tôi: “Bà là người Thầy không được tặng hoa ngày 20/11 vì Bà không có thời gian đứng lớp”. Một ngày làm việc của Bà từ 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm, luôn với  nhiều ngày không đêm và nhiều năm không có chủ nhật. Bà đã dành tất cả thời gian cho Thầy, Trò và ngôi trường nên đã không còn thời gian đứng lớp, để đến hôm nay ngôi trường đã trở nên bề thế với 30 ngành đào tạo, hàng chục ngàn sinh viên các hệ. Là một nhà quản lí giáo dục, hai điều làm Bà chú trọng, quan tâm nhất là chất lượng dạy, học và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chính nhờ vậy đã xác định vị thế và tạo nên uy tín của trường không chỉ ở trong nước, mà cả khu vực và quốc tế. Bà chính là Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào mà cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường gọi Bà bằng cái tên trìu mến “Cô hiệu trưởng”.

Tôi học được ở Cô rất nhiều điều. Cô thường nói với cán bộ, giảng viên: “Các thầy cô đừng bao giờ đưa ra khó khăn, mà chỉ nên đưa ra biện pháp, đưa ra cách làm”, câu nói như là mệnh lệnh nhưng giúp chúng tôi khi gặp bất cứ khó khăn gì đều không chùn bước, mà cần phải nghĩ ra cách giải quyết vấn đề để “thoát ra” khỏi những khó khăn, hoàn thành tốt công việc. Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện về một Bà giáo già Donna, giàu kinh nghiệm nổi tiếng ở một thị trấn nhỏ thuộc bang Michigan (Hoa Kì): buổi học đầu tiên đến lớp Bà cho tất cả học sinh của mình viết hết những điều mà các em nghĩ là “Tôi không thể” vào một tờ giấy, sau đó cô bảo học sinh gom lại bỏ vào một cái thùng, rồi Bà cùng các em đem chôn xuống đất và cùng nhau vĩnh biệt những điều “Tôi không thể”. Bà nói từ nay những từ “Tôi không thể” đã không còn nữa, hãy để cho “Ngài ấy” được yên nghỉ. Chúng ta hãy bắt đầu bằng những từ mới: “Tôi có thể”, “Tôi sẽ làm được”. Câu nói của cô Hiệu trưởng và câu chuyện của Bà giáo già đều cho ta một bài học vô cùng ý nghĩa, tôi mãi khắc ghi.

Cô hiểu rành rọt từng bước lên lớp, phân tích cặn kẽ về các phương pháp giáo dục và phương pháp dạy học. Cô đã bỏ ra nhiều công sức để tìm hiểu, nghiên cứu về các phương pháp dạy học tích cực, hiện đại. Cô không ngừng quan tâm đến việc dạy của giảng viên và việc học của sinh viên. Cô không tiếc công sức, tiền của mời những chuyên gia giỏi, giáo viên giỏi ở trong nước và nước ngoài về bồi dưỡng tập huấn cho giảng viên của nhà trường, với mong muốn nâng cao trình độ và kĩ năng nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học. Đối với tôi, ở lĩnh vực này cô thật sự như một nhà Lí luận dạy học.

Cô tiếp xúc rất nhiều với sinh viên. Cô hiểu rằng mỗi sinh viên là một cá thể độc lập, có những tính cách độc đáo, có phong cách học tập riêng, có những điểm mạnh và điểm yếu riêng biệt. Vì vậy cô rất quan tâm đến sinh viên, không từ bỏ bất kì một hoàn nào cho dù là sinh viên khuyết tật, cô sẽ tìm ra cách để không tạo nên sự cách biệt. Thế nên từ những năm 2012, nhà trường đã lập dự án đào tạo công nghệ thông tin cho ngưới khuyết tật do USAID và trường Đại học Đông Á cùng tài trợ gần 9 tỉ đồng để đào tạo cho 250 học viên người khuyết tật học mà hầu hết các em đã có việc làm sau này. Cô có khả năng và nghệ thuật động viên, khuyến khích sinh viên. Cô thường nói với các em: “Khi có người nói với con rằng con không thể làm điều đó, thì con hãy tư duy theo hướng tích cực là con có thể làm bất cứ điều gì”. Cô có một trái tim rộng lớn, cô biết rằng rất nhiều sinh viên của cô đang phải đối mặt với những khó khăn mà đôi khi cô cũng không thể hiểu hết được, nhưng nếu có một cách thức nào để có thể giải quyết được vấn đề, hỗ trợ được sinh viên, cô sẽ tìm bằng được nó, vì cô nghĩ mỗi em đều xứng đáng để có một cuộc sống hạnh phúc và học bổng “Hoa Anh Đào” ra đời cũng vì lẽ đó. Là một hiệu trưởng bận rất nhiều công việc, nhưng cô sẵn sàng ngồi ngoài hiên, ngồi ghế đá nghe học trò tâm sự, bộc bạch, thổ lộ chuyện học hành, ăn ở, sinh hoạt, cả chuyện vui, buồn, trách móc,…vì thế cô có thể hiểu, có thể động viên khích lệ và hỗ trợ các em kịp thời.

Nghĩ về Cô, tôi lại nhớ đến câu nói của nữ Tiểu thuyết gia nổi tiểng của Hoa Kì Edith Wharton: “Có hai cách để đem lại ánh sáng cho người khác – hoặc là một ngọn nến thắp sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó”. Có lẽ, cô vừa là ngọn nến thắp sáng, vừa là tấm gương phản chiếu thứ ánh sáng của trí tuệ và lòng nhân ái để soi đường cho các thế hệ sinh viên học tập và làm theo. Có câu chuyện làm tôi và nhiều người xúc động, trong ngày sinh nhật của cô, có nhiều thầy cô, bạn bè đến chúc mừng, đặc biệt có những sinh viên đã ra trường nhiều năm vẫn nhớ ngày sinh nhật của cô để trở về, nước mắt rưng rưng nói chẳng thành lời: “Cô là người đã thấu hiểu chúng em, cũng là người dạy chúng em biết cách học làm người tử tế, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, biết yêu thương và biết sẻ chia, vì thế mà 12 đứa sinh viên chúng em đã tự nguyện dành toàn bộ số học bổng của mình cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Cô là một người thầy ưu tú trong lòng chúng em”. Triết lí mà Cô nêu ra để dạy cho học trò là “Khép mình học cách vươn cao”. Câu này gần như đồng nghĩa với câu nói của Robert green Ingersoll - nhà Chính trị gia, giảng viên nổi tiếng nước Mỹ về freethought trong thế kỉ 19 “Chúng ta đứng thẳng bằng cách cúi xuống giúp đỡ người té ngã. Chúng ta vươn cao bằng cách nâng đỡ người khác đứng lên”. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi, các bạn và các em sinh viên có thể học và học mãi.

Tại ĐH Đông Á còn có người Thầy thầm lặng đi khắp đó đây để tìm việc làm cho sinh viên, bất kì có cơ hội nào đều chớp lấy với mong muốn mang lại tương lai và hạnh phúc cho các em và được các em gọi bằng cái tên thật là ấm áp “người Thầy tìm việc làm”; lại có những người thầy ngày đêm cần mẫn lo phương tiện, thiết bị phục vụ cho dạy học, để chúng ta có đủ điều kiện học tập trong một môi trường đầy đủ, an toàn, sạch đẹp… Nên bài viết này nói với các bạn và các em sinh viên, nhớ về ngôi trường, là nỗi nhớ hòa quyện giữa cảnh sắc, bạn bè và thầy cô, trong đó có cả những người thầy một đời miệt mài thầm lặng…