Nghe Tiếng Anh nhờ âm nhạc

Bạn có thể nói nghe bài hát tiếng Anh giúp tăng từ vựng, bổ sung cách diễn đạt, thậm chí hoàn thiện kỹ năng phát âm từ... Điều này đúng, nhưng về cơ bản, bạn không cảm nhận được hiệu quả về kỹ năng nghe trong giao tiếp. Phim ảnh sẽ giúp bạn nhiều hơn.

Ảnh: FluentU

Ảnh: FluentU

Một trong những lý do người Việt gặp khó khăn khi nghe người Mỹ hoặc người Anh nói tiếng Anh là vì "tính nhạc" - "musicality" hay "rhythm" không giống tiếng mẹ đẻ. Trong khi người Việt nói rõ từng từ thì người Mỹ có trọng âm và âm không nhấn. Trong câu, khi người Mỹ tăng hiệu quả bằng cách chỉ làm rõ trọng âm của những từ có nghĩa (content words) - ví dụ: STU--- trong câu "I'm a STUdent", thì người Việt thường cố nghe rõ từng từ theo thói quen, và cảm thấy người Mỹ nói rất nhanh. Chính sự khác biệt về "âm nhạc" khiến người Việt gặp khó khi nghe người Mỹ nói.

Tương tự, âm nhạc được sử dụng trong bài hát cũng khác rất nhiều với âm nhạc của ngôn ngữ đời thường. Việc bạn làm quen được với âm nhạc của bài hát sẽ không giúp gì nhiều khi bạn đối diện với âm nhạc của thực tiễn. Ví dụ, trong bài "I will always love you" của Whitney Houston, bạn nghe "and I..... will aways.... love you....". Có ít nhất 3 từ được nhấn một cách rất rõ ràng là: I, always và you.

Bây giờ, bạn lên youglish và gõ cụm từ "I will always love you" để nghe người Mỹ nói câu này trong thực tế. Bạn sẽ thấy có nhiều cách nhấn. Họ có thể nhấn rõ vào "always" hoặc "I", nhưng không ai nhấn vào từ "you" cả.

Hơn thế, cách nhấn giữa thực tiễn và bài hát cũng khác nhau rất nhiều. Trong bài hát, bạn có thể ngân nga thoải mái, kéo dài nguyên âm cả vài giây. Còn trong thực tiễn, kể cả một từ được nhấn rất rõ, nó cũng chỉ được nói rất nhanh và gọn.

Mình có cậu bạn tên Abdulah S. AlAsiri, nghe tiếng Anh rất giỏi, hiểu được cả hài kịch (comedy show) của Mỹ. Một lần, mình hỏi cậu ta liệu có thể loại tiếng Anh nào không nghe được hay không. Cậu trả lời "some music".

Vì vậy, nếu mục đích của bạn là luyện nghe tiếng Anh, cách tốt nhất là lựa chọn "authentic English" qua phim (hoạt hình, phim dài kỳ...), chương trình truyền hình thực tế (reality show) hoặc bài giảng (lecture)... Những bài hát thiếu nhi cũng là gợi ý tốt nếu bạn muốn chọn âm nhạc làm nguồn luyện nghe phục vụ giao tiếp.