Nghề kỹ sư điện – điện tử có thể thu nhập tới 100 triệu đồng/tháng?

Nghề kỹ sư điện – điện tử có thể thu nhập tới 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây là nghề đòi hỏi trình độ khá cao. Dưới đây là 10 điều cần biết về nghề trước khi đăng ký học.

Nói về kỹ sư điện – điện tử hay kỹ sư điện, trong suy nghĩ đơn thuần của nhiều người, đó là nghề sửa các thiết bị điện gia dụng (tivi, tủ lạnh, quạt…) hay lắp ráp linh kiện điện tử, kỹ sư phụ trách hệ thống điện tại các nhà máy…

Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, nghề kỹ sư điện – điện tử còn được hiểu là nghề xây dựng, thiết kế hệ thống điều khiển tự động, thử nghiệm hay giám sát việc sản xuất thiết bị điện, điện tử... trong các tập đoàn công nghệ lớn.

Tất nhiên, sau khi học xong ngành/nghề này tại các trường trung cấp, cao đẳng hay đại học, bạn có thể tùy chọn nơi làm việc, cách làm việc phù hợp với kiến thức và khả năng, nhưng nếu có một định hướng tốt trong quá trình học cũng như tìm việc, bạn sẽ có nhiều cơ hội để làm những công việc tốt hơn, nhiều cơ hội thăng tiến và thu nhập cao hơn.

Theo trang giới thiệu việc làm Indeed - trang việc làm số 1 thế giới - thì kỹ sư điện – điện tử tại Mỹ được trả lương rất cao, trung bình khoảng 95.402 đô la Mỹ/năm. Tùy theo kinh nghiệm của kỹ sư mà họ được nhận các mức lương tương xứng.

 


Tham khảo bảng đánh giá mức lương của kỹ sư điện tại Mỹ dựa trên kinh nghiệm làm việc

MastersPortal cũng đã đưa ra 10 lý do để chọn học ngành kỹ sư điện (Electrical Engineering) là:

  • Dễ dàng kiếm việc sau khi ra trường
  • Có thể làm việc ở những quốc gia khác nhau
  • Việc thực hành nhiều giúp bạn mở rộng cơ hội việc làm
  • Bạn sẽ có được một lượng kiến thức rộng trong quá trình học
  • Kỹ năng máy tính được nâng cao
  • Công việc thú vị và nhiều thử thách
  • Tự chế tạo ra các vật dụng, dụng cụ
  • Tự sửa chữa các máy móc, thiết bị trong gia đình
  • Công việc luôn đổi mới và không bao giờ nhàm chán
  • Chỉ phải tuân theo một số quy tắc đơn giản

Nghề kỹ sư điện – điện tử tại Mỹ nhiều cơ hội như vậy, còn tại Việt Nam, nghề kỹ sư điện – điện tử có nhiều cơ hội phát triển? Thu nhập cao?

 

1. Cơ hội việc làm của nghề kỹ sư điện – điện tử tại Việt Nam hiện nay?​

Theo Tiến sĩ Mai Linh, xã hội phát triển, hiện đại hoá năng suất lao động là nhu cầu cần thiết, đòi hỏi sự chuyên môn hóa của thiết bị tự động, yêu cầu máy móc cần phải gọn nhẹ hơn, linh động hơn, uyển chuyển hơn và thông minh hơn.

Điều này dẫn đến việc nhiều loại máy móc tinh vi ra đời để hỗ trợ cho người lao động và cả nhà sản xuất nhằm mang lại năng suất lao động cao nhất. Vì vậy, nhóm ngành Điện – Điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên học ngành này dễ dàng tìm kiếm cho mình một việc làm phù hợp với mức thu nhập ổn định.

Việt Nam là quốc gia đã và đang nhận được sự đầu tư rất lớn của các công ty, tập đoàn điện tử viễn thông, tự động hóa trên thế giới như Samsung, Sony, LG, Bosch, Intel, Schneider, Foxconn… Ngoài ra các công ty trong nước cũng đang phát triển nhanh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như Vingroup, Viettel, BKAV...

Tổng giá trị sản xuất và xuất khẩu của lĩnh vực điện tử viễn thông và tự động hóa ngày càng cao và tăng trưởng nhanh kéo theo nhu cầu nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng được quy mô nghiên cứu và sản xuất sản phẩm.

Hiện nay, cơ hội việc làm trong ngành rất lớn và đa dạng với mức thu nhập cao so với mặt bằng xã hội. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều nhận được việc làm trong thời gian ngắn sau tốt nghiệp. Hơn nữa, nhiều sinh viên đã được công ty cam kết nhận vào làm ngay sau kỳ thực tập tốt nghiệp.

2. Xu hướng nghề điện – điện tử trong tương lai thế nào?​

Xã hội phát triển, việc hiện đại hóa sản xuất để nâng cao năng suất lao động là nhu cầu rất cần thiết. Hiện nay, các nhà máy đều đang hướng đến tự động hóa, điều khiển máy móc thông qua các hệ thống điều khiển. Công việc thiết lập nên các hệ thống điều khiển tự động này chính là công việc của ngành Điện – Điện tử.

Ngành nghề liên quan lĩnh vực Điện tử viễn thông, Tự động hóa rất đa dạng và cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho đời sống hàng ngày. Nền công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại với nền tảng cốt lõi dựa vào lĩnh vực này.

Bên cạnh nghiên cứu sản xuất các sản phẩm cơ bản thì xu hướng phát triển các hệ thống xử lý truyền nhận dữ liệu tốc độ cao, hệ thống tự động với các robot thông minh, các công nghệ xử lý hình ảnh, nhận thức máy tính, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT)... sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao có tính cạnh tranh nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Do đó, nghề kỹ sư điện – điện tử sẽ có rất rất nhiều cơ hội trong tương lai.

3. Yêu cầu người học nghề điện – điện tử cần có những tố chất nào?​

Học sinh sau khi tốt nghiệp THPT sẽ phải chọn ngành nghề phù hợp nhằm phát huy tối đa khả năng của mình. Để đạt được thành công trong lĩnh vực điện tử viễn thông, tự động hóa, người học cần có sự yêu thích ngành nghề, qua đó sẽ tạo động lực lớn giúp đạt được những thành quả xứng đáng.

Đây là ngành thiên về kỹ thuật công nghệ cao, đòi hỏi người học có kiến thức tốt về toán và khoa học tự nhiên, đam mê công nghệ mới và có ý thức sáng tạo.

4. Lộ trình học nghề điện – điện tử như thế nào?​

Nếu muốn trở thành kỹ sư điện – điện tử, các bạn có thể theo học ngành Điện tử viễn thông, Tự động hóa.

Sau khi tìm hiểu những thông tin cơ bản về ngành này, học sinh có thể chọn đăng ký vào các trường có đào tạo ngành Điện tử viễn thông, Tự động hóa. Tùy vào trường đại học cụ thể sẽ có các phương thức tuyển sinh khác nhau.
Trong các năm đầu tiên, sinh viên sẽ được học nhiều kiến thức về toán và khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học. Sau đó, các bạn sẽ được học về các môn cơ sở ngành và các chuyên ngành hẹp của ngành Điện – Điện tử.

Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ... nhằm phát triển con người toàn diện. Sau khi hoàn tất các môn học và các chứng chỉ cần thiết (giáo dục quốc phòng, tiếng Anh), sinh viên sẽ được cấp bằng kỹ sư và có thể xin việc làm hoặc học sau đại học.

5. Những trường đào tạo nghề điện – điện tử?​

Hiện có nhiều trường đào tạo ngành/nghề điện – điện tử, bạn có thể tìm kiếm danh sách các trường có đào tạo ngành này thông qua mạng Internet hoặc trong Cẩm nang tuyển sinh.

 

6. Những kiến thức nào nên được ưu tiên khi học nghề này?​

Thứ nhất tố chất, các khả năng cần thiết để theo ngành Điện tử được hiểu là tiền đề để theo đuổi ngành này. Thứ hai là các kiến thức khi các bạn đang theo học ngành điện tử .

Trong quá trình học phổ thông các bạn nên yêu thích hai môn chính là vật lý và toán. Nếu cảm thấy yêu thích, học dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm bài hơn các môn khác, xin chúc mừng, bạn có đầy đủ các tố chất cần thiết để theo đuổi nghề nghiệp này trong tương lai. Ngoài ra, khả năng tư duy logic, lập trình cũng là một thế mạnh.

Trong quá trình học đại học, chương trình đã được thiết kế để trang bị cho các bạn những kiến thức cơ bản nhất về ngành nghề, nên yêu cầu bạn học đều các kiến thức được chuẩn bị cho ngành học của bạn. Tuy nhiên, kỹ năng và thái độ của bạn sẽ góp phần lớn vào sự thành công.

Do đó, dựa vào tố chất sẵn có, các bạn nên trang bị các kỹ năng cần thiết trong quá trình học đại học và một thái độ học tập tích cực, chủ động. Điều đó sẽ là động lực để bạn có thể thành công với ngành nghề trong tương lai.

Để học giỏi ngành này, các kiến thức được ưu tiên theo thứ tự lần lượt:

  • Toán học
  • Vật lý
  • Kiến thức cơ sở ngành Điện – Điện tử.

Như vậy, để học tốt được kiến thức cơ sở ngành, sinh viên cần có kiến thức vững chắc về toán học và vật lý. Nhờ vậy, khi học các môn cơ sở ngành, các bạn có thể hiểu và giải được các bài toán kỹ thuật.

Đối với kiến thức chuyên ngành Điện – Điện tử (xử lý ảnh/tiếng nói/văn bản;  điện tử và vi điện tử; hệ thống nhúng, IoT, AI, điều khiển hệ thống, robots…), các bạn có nền tảng kiến thức tốt về toán, lý và cơ sở ngành thì hoàn toàn có thể học dễ dàng. Tại đây, các bài toán thực tế về kỹ thuật được đưa ra và sinh viên hoàn toàn có thể giải quyết theo cách truyền thống hoặc sáng tạo ra cách giải mới.

Song song với việc học chuyên môn, sinh viên cần học giỏi ít nhất một ngoại ngữ, ví dụ như tiếng Anh vì đây có thể coi là chìa khóa để các bạn có thể vào làm việc tại các tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia hay làm việc tại các quốc gia phát triển.

Thêm vào đó, sinh viên cần trang bị các kiến thức về xã hội, các kỹ năng mềm và biết cách hợp tác để làm việc nhóm. Để có thể phát triển hơn nữa cho nghề nghiệp của bản thân, sinh viên cần thêm kỹ năng về tư duy sáng tạo, kỹ năng về phân tích và tổng hợp vấn đề, kỹ năng về giải quyết công việc cũng như là tổ chức và quản lý công việc.

7. Khó khăn khi học nghề và làm nghề điện – điện tử là gì?​

Khi học bất cứ điều gì, chúng ta cần phải học với một thái độ chăm chỉ, cần cù; quyết tâm, chủ động và sáng tạo khi học. Luôn tự đặt ra các câu hỏi như: Tại sao? Như thế nào?...
Vậy nên, nói về khó khăn khi học nghề kỹ sư điện - điện tử, ở đây tôi muốn nói đến các khó khăn thường gặp như sau:

  • Đó là kiến thức cơ bản của sinh viên về toán học, vật lý. Khi lên đại học, người sinh viên cần chủ động học, cần tư duy sáng tạo khi áp dụng các kiến thức của toán, vật lý để giải các bài toán kỹ thuật; Sinh viên Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc tự đọc sách tham khảo để giải quyết các bài toán được giao hoặc để tìm hiểu thêm ngoài kiến thức đã học trên giảng đường. Nói cách khác, sinh viên cần phải biết cách học đại học.
  • Đó là thiếu kinh nghiệm thực tế. Nếu chỉ có học kiến thức, lý thuyết ở trường là chưa đủ. Sinh viên cần phải tham gia thực hành, làm thí nghiệm càng nhiều càng tốt. Thêm vào đó sinh viên cần phải đi đến các công ty, nhà máy để thực tập.
  • Đó là thiếu kinh nghiệm làm việc nhóm.
  • Đó là thiếu các kỹ năng mềm trong cuộc sống
  • Đó là bản lĩnh trước những thử thách mới, công việc mới, thậm chí là công việc đòi hỏi phải kiến thức mới…

Ngoài ra, trong quá trình học, khó khăn chính là thiếu kỹ năng học và thái độ học tập. Kỹ năng học tập đại học nói chung và ngành điện tử viễn thông là một tất yếu để thành công trong ngành nghề này. Khi các bạn chuẩn bị cho mình trước các kỹ năng ghi chép, sắp xếp thời gian học hành, giải trí hợp lý, cùng với một thái độ học tập tích cực, chủ động, phần lớn các bạn sẽ thành công.

Ngành điện tử và viễn thông là một trong những ngành thay đổi từng giờ, từng phút cùng với tốc độ phát triển của thế giới. Cũng giống như tin học, công nghệ phần cứng và phần mềm, người làm nghề phải luôn trau đồi, tiếp cận các kiến thức mới và trang bị cho mình một kỹ năng tự học và thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. Trong quá trình học tập đại học, các bạn sẽ được hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để nuôi dưỡng đam mê và tự học tập suốt đời.

8. Mới học nghề điện – điện tử ra thì làm gì? ở đâu?​

Phần lớn các bạn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông đều có việc làm sau 6 tháng trong các công ty trong nước và nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Các ngành nghề đang là hot trên thị trường lao động hiện nay như kỹ sư phần cứng (Renesas, Bosch), kỹ sư phần mềm (Bosch, FPT, TMA)…

Ngoài ra, các nhà máy lớn, đa quốc gia như Samsung, Intel, Schneider… cũng là một trong những nơi thu hút các bạn sinh viên mới ra trường. Các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, Vinaphone, Mobifone… cũng thường xuyên tiếp nhận thực tập sinh và sinh viên trong ngành.

Xu hướng hiện nay, các bạn mới ra trường thường lựa chọn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp này năng động tham gia vào mọi lĩnh vực trong ngành Điện tử - Viễn thông như dịch vụ khai thác, bảo trì thiết bị, khai thác dịch vụ mạng, truyền hình cáp, thiết kế các thiết bị điện tử viễn thông… Với các công ty này, các bạn được thử sức trong mọi công đoạn hoạt động của công ty và cũng có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp cũng như là kỹ năng cá nhân nhanh chóng.

Tóm lại, sau khi ra trường, các bạn có khá nhiều lựa chọn, chẳng hạn:

  • Làm việc tại các công ty viễn thông như VIETTEL, VNPT, MOBIFONE, FPT…
  • Làm việc tại các công ty về lập trình nhúng như Renesas, BOSCH, HELLA…
  • Làm việc tại các công ty về điện tử như INTEL, SAMSUNG…
  • Làm việc tại các công ty về tự động hóa như MELATECH - Công ty Cơ khí - Điện - Tự động hoá; 3C - Công ty Cổ phần Máy tính - Truyền thông - Điều khiển 3C; A&E - Công ty TNHH Kỹ thuật điện tự động hóa A&E; A2S - Công ty CP Dịch vụ và Ứng dụng tự động A2S; AB Engineering – Công ty TNHH AB Engineering Việt Nam; ABB - Công ty TNHH ABB…

Có rất nhiều “cái tên” có thể giúp các bạn tiến xa trong ngành nghề này.

9. Mất bao lâu để lên mức chuyên gia trong nghề này?​

Nếu mong muốn trở thành một chuyên gia điện – điện tử, con đường ngắn nhất là các bạn nên học tập lên các bậc cao hơn như thạc sĩ và tiến sĩ với tổng thời gian ngắn nhất khoảng 4 năm. Khi tốt nghiệp các bạn sẽ trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực hẹp trong ngành. Sau đó, công việc giảng dạy và làm các đề tài thực tiễn sẽ cọ xát và làm cho các bạn vững vàng hơn, có tầm nhìn bao quát hơn trong ngành.

Đối với các bạn làm trong doanh nghiệp, khoảng thời gian này sẽ dài hơn với trung bình 3 năm đầu từ khi mới tốt nghiệp các bạn chủ yếu là học việc và làm các công việc thiết kế đơn giản.

Trung bình từ 3 - 5 năm sau, các bạn có thể làm việc độc lập hơn, kèm cặp các bạn mới và có thể quản lý đội từ 3 - 5 bạn nhỏ tùy theo khả năng mềm của từng bạn. Sau đó, sẽ là khoảng thời gian trung bình 5 năm nữa để các bạn có thể trờ thành một người chuyên quản lý các dự án hay một chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn đang hoạt động.

Người kỹ sư chuyên tâm, cầu tiến sẽ mất 2 - 3 năm để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Vì thế tôi luôn nói với sinh viên của mình, bất kỳ ngành nào sau khi tốt nghiệp, các bạn cũng cần ít nhất 2 - 3 năm để học nghề, sau khi lành nghề thì mới có thể phát triển thêm được.

Để thành công trong nghề này, các bạn nhất định cần có đam mê nghề nghiệp, cầu tiến, muốn nâng cao giá trị bản thân, nâng cao thu nhập – đây là điều cần thiết để thành công trong lĩnh vực này

10. Thu nhập của kỹ sư điện – điện tử?​

Lương khởi điểm của nghề kỹ sư điện – điện tử khoảng từ 10 triệu đồng/tháng trở lên, có nhiều nơi có thể trả ở mức 15 triệu đồng/tháng nếu bạn chứng minh bạn thật sự có năng lực ở mức đó.

Cần nói thêm, ngành Điện tử viễn thông, Tự động hóa là ngành công nghiệp hiện đại với rất nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư tại Việt Nam. Do đó, mức lương khởi điểm của kỹ sư mới ra trường cũng sẽ tùy thuộc khả năng và công ty, cụ thể từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập sẽ tăng với nền tảng kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc.

Khi một kỹ sư làm có kinh nghiệm nhiều và khả năng cao sẽ được xem như chuyên gia về lĩnh vực và được giao những công việc với yêu cầu cao về chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn xử lý vấn đề.

Hiện nay mức thu nhập của chuyên gia rất cao và tùy thuộc công ty và công việc cụ thể. Thông thường các công ty, tập đoàn lớn trả lương chuyên gia từ 100 triệu đồng/tháng trở lên. Ngoài ra chuyên gia thường có các mức thưởng rất cao dựa vào thành tích, hiệu quả làm việc.

Như vậy, cơ hội kiếm tiền của nghề này đến từ nhiều nguồn khác nhau như:

  • Từ lương khi làm cho các công ty
  • Từ các phần thưởng khi hoàn thành tốt công việc
  • Từ những công việc làm thêm như thiết kế kỹ thuật, viết phần mềm
  • Từ việc hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm
  • Từ việc mở các công ty sản xuất kinh doanh…

Để thành công trong bất kỳ việc nào thì điều kiện cần là niềm đam mê trong công việc, còn lại, khả năng tự đào tạo, các kỹ năng mềm khác sẽ quyết định sự thành công trong nghề.