Thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn và cần có chính sách đúng đắn để thực hiện những cam kết và tối ưu hoá lợi ích từ năng lượng tái tạo.
Quan điểm này được các đại biểu nhất trí tại hội thảo về phát triển năng lượng tại Việt Nam, do Tổng Cục Năng lượng, Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng nay.
Tại hội thảo, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và tái tạo, Tổng Cục Năng lượng, Bộ Công thương, trình bày Chiến lược Phát triển Năng lượng Tái tạo tại Việt Nam trong đó mục tiêu chung của chiến lược năng lượng tái tạo là giảm 25% phát thải khí nhà kính của Việt Nam và phần lớn các hộ gia đình sẽ được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy, bền vững và hiện đại với giá cả phải chăng vào năm 2030.
Theo ông Thực, một trong những trọng tâm của chiến lược năng lượng tái tạo là ưu tiên các công nghệ đã được công nhận trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm thuỷ điện, năng lượng gió, mặt trời, năng lượng sinh khối và khí sinh học
“Chiến lược này nhằm khuyến khích và huy động mọi nguồn lực từ xã hội, phát triển năng lượng tái tạo với giá hợp lý để tăng dần thị phần năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia” - ông Thực cho biết - “Điều này sẽ giúp giảm phụ thuộc vào các nguồn hoá thạch và góp phần cải thiện an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.”
Nhân dịp này, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) có bài trình bày về chương trình phát triển năng lượng gió ở Việt Nam, và UNDP chia sẻ nghiên cứu mới về “Xanh hoá nguồn năng điện hỗn hợp: Chính sách Mở rộng Quang điện mặt trời ở Việt Nam”.
Nghiên cứu của UNDP nhấn mạnh lợi thế của quang điện mặt trời và khuyến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng. Nghiên cứu cho thấy quang điện mặt trời có rất ít tác động tiêu cực đối với môi trường, sức khoẻ và sinh kế trong khi phát điện từ năng lượng mặt trời có thể giúp các cộng đồng ở vùng sâu cùng xa và hải đảo cũng như các doanh nghiệp lớn và nhỏ cải thiện việc cung cấp điện và giảm hóa đơn tiền điện.
UNDP khuyến nghị cần điều tiết mức “Giá bán cho lưới điện” (FiT) là 15 xu USD/kWh đối với các nhà máy quang điện mặt trời trên đất liền, và 19 xu USD/ kWh đối với các nhà máy điện ngoài đảo trong vòng 20 năm. UNDP cũng khuyến nghị cần hỗ trợ tài chính cho các hệ thống quang điện mặt trời độc lập cũng như hoà lưới ở các vùng sâu và hải đảo, đồng thời có các chính sách ưu đãi nhằm giảm chi phí đầu tư vào các nhà máy quang điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời trên nóc nhà và các hệ thống quang điện mặt trời cộng đồng.
“Trên thế giới, kỹ thuật và tài chính năng lượng tái tạo đang thay đổi tích cực và nhanh chóng; Việt Nam cần tiếp cận và tận dụng những đổi thay này” - ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho biết - “Việt Nam cần có chính sách và hướng dẫn cụ thể nhằm khuyến khích việc áp dụng giao thông điện, túi ủ khí sinh học và lắp đặt các tấm quang điện mặt trời trên nóc nhà, như ở Tòa nhà Xanh- Một Liên hợp quốc với chi phí sử dụng điện giảm đáng kể nhưng lại góp phần bảo vệ môi trường.”
Ông Burkhanov nhiệt liệt hoan nghênh Chiến lược Phát triển Năng lượng Tái tạo của Việt Nam và cho biết UNDP luôn sẵn sàng cùng các đối tác phát triển khác hỗ trợ xây dựng lộ trình thực hiện chiến lược này.