Lễ trao tặng thiết bị và chính thức đi vào hoạt động dự án “Nâng cao năng lực đào tạo và cơ hội học tập cho các đối tượng khó khăn” vừa diễn ra đầy trang trọng và ý nghĩa tại Tam Kỳ, Quảng Nam sáng ngày 10/11.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á vui mừng chào đón đại diện tổ chức ASHA/USAID, VNAH cùng lãnh đạo địa phương đã tham dự buổi lễ cảm động và đầy ý nghĩa này, bởi “sự hiện diện của quý ông bà một lần nữa tô đậm thêm tình hữu nghị hợp tác và sự giúp đỡ quý báu dành cho các sinh viên khó khăn luôn cần sự chia sẻ - những chủ nhân được thụ hưởng dự án đầy tính nhân văn này”.
TS. Nguyễn Thị Anh Đào phát biểu tại buổi lễ
Đồng thời, TS. Anh Đào cũng nhấn mạnh: “Đối với ĐH Đông Á, việc tiếp nối mở rộng dự án nhân đạo này tiếp sau dự án “Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật” cũng do USAID tài trợ, là sự tiếp nối tâm niệm truyền thống phục vụ cộng đồng thiết thực và đầy ý nghĩa”.
Chia sẻ tại buổi lễ, bà Katherine Crawford - Giám đốc ASHA/USAID đánh giá cao những nỗ lực vì cộng đồng của ĐH Đông Á trong suốt chiều dài phát triển của nhà trường và xúc động khi được cùng nhà trường tiếp nối truyền thống trách nhiệm cộng đồng đó thông qua dự án này.
Theo đó, dự án “Nâng cao năng lực đào tạo và cơ hội học tập cho các đối tượng khó khăn” tại Quảng Nam chính thức đi vào hoạt động với tổng kinh phí đầu tư 700.000 USD, trong đó Tổ chức các bệnh viện và trường học Mỹ ở nước ngoài ASHA, USAID tài trợ 500.000 USD và vốn đối ứng của Trường ĐH Đông Á cùng Hội VNAH tài trợ là 200.000 USD. Dự án hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho các học sinh nghèo, sinh viên dân tộc thiểu số và các sinh viên khuyết tật cơ hội học tập rèn luyện để trang bị cho mình đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và có cơ hội việc làm, giúp thanh niên và đối tượng dễ bị tổn thương được đào tạo phù hợp với các ngành kinh tế và các kỹ thuật cần thiết cho việc làm, nghề nghiệp.
Dự kiến dự án sẽ làm tăng lên 20% số lượng học viên trong nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương tại Quảng Nam, kể cả những người tàn tật, người dân tộc thiểu số và người nghèo tham gia khóa học, giúp họ có nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục đại học và dạy nghề, đào tạo dựa trên năng lực, góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững, chiến lược nguồn nhân lực chất lượng của tỉnh Quảng Nam và cả khu vực. Trong đó, bao gồm việc phía Trường ĐH Đông Á cung cấp học bổng, miễn giảm 20% học phí và các hỗ trợ trực tiếp khác đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. VNAH và ĐH Đông Á cũng sẽ thiết lập đối tác với chính quyền địa phương, bao gồm các Sở, phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), phòng Giáo dục – Đào tạo (GDDT) cấp tỉnh và cấp huyện để tuyển chọn sinh viên thuộc diện này. Các hoạt động truyền thông sẽ được tiến hành tại các khu vực xa xôi, khu vực dân tộc thiểu số, nơi thường bị hạn chế về mặt thông tin. Ngoài ra, VNAH và phía Trường ĐH Đông Á sẽ làm việc với các cơ quan chính quyền ở các vùng trên để vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác - chẳng hạn như hỗ trợ tài chính - phục vụ việc đào tạo nghề như cấp cho các trường nghề của nhà nước cho các đối tượng này.
Trước sự chứng kiến của đông đảo đại biểu, đặc biệt là những học viên thuộc nhóm dễ bị tổn thương, TS. Nguyễn Thị Anh Đào cùng bà Katherine Crawford đã chính thức đánh dấu một cột mốc quan trọng của dự án khi cùng giật dải băng khai trương, đồng nghĩa việc toàn bộ trang thiết bị thực hành mô phỏng thực, bao gồm 150 mô hình và bộ thực hành với đầy đủ dụng cụ, thiết bị chuyên môn kỹ thuật cao thuộc các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật Điện và Du lịch khách sạn chính thức được tiếp nhận và bắt đầu đưa vào vận hành, phục vụ cho việc khai giảng đào tạo các khóa học thuộc dự án. Từ đây, học viên sẽ được thụ hưởng trực tiếp chương trình đào tạo với trang thiết bị hiện đại của dự án trong những ngành nghề được dự báo sẽ đóng góp ngày càng nhiều cho sự tăng trưởng kinh tế ngay tại địa phương mình; được đào tạo không chỉ về chuyên ngành mà còn được học tiếng Anh và các kỹ năng mềm khác, như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phỏng vấn tìm việc, v.v… để sẵn sàng cho công việc sau khi hoàn thành khóa học.
Sau buổi lễ, đoàn cũng đã đến tham quan hệ thống trang thiết bị được đặt tại các lớp học và thăm hỏi, động viên những học viên khuyết tật đầu tiên tham gia dự án
Niềm vui ánh lên trên gương mặt những học viên thuộc nhóm dễ bị tổn thương khi được thụ hưởng dự án
Sinh viên KT Điện hào hứng vận hành hệ thống thiết bị thực hành hiện đại do dự án trang bị
Với mong muốn chung tay góp sức cùng xã hội, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy, ĐH Đông Á luôn chú trọng giáo dục đội ngũ trí thức trẻ trách nhiệm chia sẻ cùng cộng đồng qua việc tham gia các hoạt động vì người nghèo, hiến máu nhân đạo, quyên góp sách vở, quần áo cho trẻ em nghèo vùng cao, vùng xa trong mùa giá rét.
Gần 10 năm trước đây, năm 2006, khi cơn bão lịch sử Chanchu tàn phá vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng khiến nhiều ngư dân phải bỏ mình nơi biển sâu, để lại cảnh tang thương nheo nhóc cho gia đình, người thân thì ngay lúc ấy, ĐH Đông Á là trường duy nhất nhận cấp học bổng toàn phần cho 7 con em của gia đình bị nạn có độ tuổi đi học trung cấp, cao đẳng, giúp các em theo học đến hết bậc đại học và đã có việc làm để mưu sinh.
Đặc biệt, từ năm 2013, dự án “Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật” ITTP được triển khai tại ĐH Đông Á do USAID, CRS và ĐH Đông Á tài trợ với tổng kinh phí 8.865 triệu đồng, trong đó USAID, CRS tài trợ 6.250 triệu đồng, ĐH Đông Á tài trợ 2.615 triệu đồng. Dự án đào tạo hơn 250 học viên khuyết tật, giúp họ có cơ hội được học tập, cơ hội cùng nhau hòa nhập cộng đồng và đi vào làm việc tại các doanh nghiệp.
|