Để viết được một bức thư, một câu chuyện, một bài báo hay một luận văn nghiên cứu… bằng tiếng Anh, hãy bắt đầu bằng cách học viết một đoạn văn, thậm chí một câu văn có nghĩa và đúng ngữ pháp. Hay trước khi tập viết theo lối học thuật, các em hãy viết theo lối tự do.
Bắt đầu bằng việc tập diễn đạt
Để có thể diễn đạt được những gì mình nghĩ thì phải học các cấu trúc câu. Các cấu trúc câu căn bản, bao gồm: câu điều kiện, câu bị động, câu có chứa mệnh đề quan hệ, mệnh đề danh từ, câu đảo ngữ... Các cấu trúc câu nói chung chiếm đến 50% thành công trong việc diễn đạt nội dung viết.
Trong các cuốn sách ngữ pháp như English Grammar in Use của Raymond Murphy, hay Grammar Practice của Elain Walker và Steve Elsworth... đều diễn giải, phân tích rất chi tiết về các loại cấu trúc câu. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc, hãy hỏi thầy cô trên lớp hoặc google các trang web học tiếng Anh như www.englishpage.com hay www.perfect-english-grammar.com. Không có một phần ngữ pháp nào mà bạn không thể tìm thấy trên mạng.
Bạn có thể tìm thấy các cấu trúc ngữ pháp trên mạng
Nếu bạn muốn tìm một cuốn sách có những đoạn văn cơ bản, về những chủ đề cuộc sống hàng ngày, dành cho người học có trình độ Intermediate, có thể dùng cuốn A resource for Reading and Words, Themes for today, hayQ skills for Success Reading and Writing… tại các cửa hàng sách.
Học từ vựng
Sau khi bạn đã có cấu trúc, việc tiếp theo là học từ vựng. Trên thực tế, việc học từ vựng và cấu trúc có thể diễn ra song song vì qua các câu ví dụ trong các bài ngữ pháp, bạn cũng làm quen được với khá nhiều từ mới rồi.
Nói đến học từ vựng thì không có cách nào tốt hơn là học từ qua các bài đọc, thậm chí các bài nghe. Có rất nhiều cấu trúc hay trong các bài nghe, nhưng do đặc thù hội thoại, rất nhiều từ trong đó sẽ chỉ thích hợp trong văn nói, chứ không phải trong văn viết nên cần có sự chọn lọc kỹ càng.
Đọc, hiểu, chép lại các từ mới, bắt chước cách các từ này được sử dụng trong đoạn văn, tra từ điển nếu vẫn chưa hiểu rõ, đặt câu với các từ này - đó là quy trình 6 bước ghi nhớ từ vựng. Một khi bạn có thể viết ra, bạn chắc chắn sẽ nhớ rõ hơn về các từ vựng này.
Hãy viết tự do từ những chủ đề quen thuộc
Sau khi đã có vốn liếng cấu trúc và từ vựng, thay vì đặt câu với nội dung không liên quan đến nhau, hãy tìm một chủ đề thú vị hoặc gần gũi nhất với mình để viết. Ví dụ, sắp đến ngày sinh nhật người bạn thân của bạn? Hãy viết về người bạn thân đó. Sắp Noel? Hãy viết về mùa Noel đáng nhớ nhất trong đời. Có thể bạn đã có một ngày đến trường không vui? Không sao, đó cũng có thể là một chủ đề hay trong viết. Việc bạn chọn chủ đề gì không quan trọng, hãy cứ viết ra bất cứ thứ gì bạn nghĩ.
Sau khi viết bản nháp, hãy nhìn lại xem liệu bài viết của bạn có mắc các lỗi ngữ pháp, từ vựng nào không. Liệu có câu nào bạn có thể thay đổi cấu trúc để nghe mềm mại hơn một chút? Nếu bạn không thể tìm được lỗi nào trong “đứa con tinh thần” của mình, hãy đợi một hai tuần sau, khi bạn đã quên luồng suy nghĩ cũ.
Lúc đó bạn sẽ nhìn ra những điểm cần thay đổi trong bài viết của mình. Nếu được, hãy cho người khác đọc bài của bạn, điều này sẽ khiến bạn cẩn trọng hơn với bài viết của mình. Đăng lên blog, Facebook là một ý kiến hay. Góp ý của mọi người sẽ khiến bạn có được cái nhìn nhiều chiều hơn về nội dung và văn phong của mình.
Hỏi ý kiến bạn bè là một cách hay để bài viết của bạn có cái nhìn nhiều chiều hơn
Viết tự do - quá trình được bàn luận ở trên - là một cách học viết hiệu quả, làm nền tảng vững chắc cho các bài viết học thuật sau này. Vì vậy, hãy tự do viết ra những suy nghĩ của mình, hãy vận dụng các cấu trúc câu đã học và đảm bảo rằng chúng đúng ngữ pháp. Và đừng ngần ngại khi phải thay đổi từ hay trật tự từ trong câu sau mỗi lần hiệu đính để bài viết của bạn nghe hay hơn.