Với chủ đề về công nghệ blockchain - công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian cùng xu hướng ứng dụng tiềm năng trong nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông,...
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và trao đổi chuyên môn của các chuyên gia công nghệ blockchain từ Nhật Bản và Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đông đảo giảng viên, sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Tài chính Ngân hàng Đại học Đông Á.
Quang cảnh hội thảo quốc tế về “Công nghệ blockchain và ứng dụng”.
Chia sẻ về blockchain và tiền mã hóa điện tử, ThS. Dương Công Danh – giảng viên ngành Tài chính Ngân hàng ĐH Đông Á cho biết: Lâu nay nhiều người vẫn vô tình nhận thức blockchain chính là bitcoin, còn trên thực tế, blockchain là công nghệ nền tảng cho sự phát triển và bùng nổ của Bitcoin và các loại đồng tiền số mã hoá. Blockchain vận hành như một "distributed ledger" (sổ cái phân tán), có ngày tháng và không thể thay đổi hay can thiệp chỉnh sửa được…
Cũng trong chuyên đề về "Blockchain: cơ hội và thách thức", ThS. Công Danh phân tích thêm, blockchain tựu trung sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực pháp lý, quản lý tài sản thông minh, xử lý và hoàn tất giao dịch các sản phẩm tài chính, thanh toán quốc tế và căn cước số. Đồng thời để bùng nổ và trở thành xu hướng áp dụng lớn nhất trong các mảng tài chính, ngân hàng và kiểm toán nội bộ tại Việt Nam, blockchain cũng đang đứng trước nhiều thách thức về quy mô mạng lưới, chi phí lưu trữ thông tin, những lỗi do đặc tính con người gây ra, những lỗi bảo mật không tránh khỏi và cơ sở hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực và các vấn đề pháp lý tại Việt Nam,...
"Đề xuất mới về một hệ thống tài chính trực tiếp dựa trên nền tảng blockchain – Blockchain: công nghệ vô hình đang làm thay đổi thế giới" là chuyên đề nhận được nhiều sự quan tâm, được trình bày bởi GS. Mitsuhiro Maeda – Học viện kỹ thuật công nghiệp cao cấp Nhật Bản (AIIT).
Theo báo cáo, dựa trên các đặc điểm của blockchain là chống lại sự tập trung hóa, cải thiện sự tin tưởng và sự giám sát, giảm thiểu chi phí của hệ thống cơ sở hạ tầng và "phá vỡ" trung gian xác thực thông tin, GS. Mitsuhiro Maeda đề xuất chi tiết một hệ thống tài chính trực tiếp hỗ trợ trong việc phát triển các sản phẩm tài chính và chi trả trực tiếp với chi phí gần như bằng 0 và không bị sự kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức nào trên nền tảng công nghệ bockchain. Đề xuất trên xuất phát từ hiện trạng của hệ thống tài chính trực tiếp trong doanh nghiệp nhỏ và vừa là thông tin không thống nhất, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa quá lớn, hệ thống tài chính gián tiếp đang chiếm lĩnh, đặc biệt là cơ sở hạ tầng để hỗ trợ thị trường tài chính trực tiếp không rẻ - không bảo mật – không dễ dàng chia sẻ thông tin...
GS. Mitsuhiro Maeda – Học viện kỹ thuật công nghiệp cao cấp Nhật Bản phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, ThS. Hồ Đức Lĩnh – giảng viên khoa CNTT ĐH Đông Á chia sẻ: "Nắm bắt, nghiên cứu và học hỏi những công nghệ mới như blockchain và các lĩnh vực ứng dụng của nó từ những chuyên gia hàng đầu sẽ là con đường ngắn giúp giảng viên, sinh viên tiệm cận và có định hướng tốt hơn trong đào tạo và xây dựng những ứng dụng thiết thực trong cuộc sống theo tinh thần của công nghệ blockchain: Chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao."
Được biết, cũng trong năm 2018, Hội thảo quốc tế lần thứ 19 về "Ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý" (gọi tắt là ITAM), chuỗi hội thảo khoa học quốc tế gồm: "Kinh doanh điện tử và ứng dụng" lần thứ 1, năm 2018 (gọi tắt là ICEBA 2018) và "Kinh tế học quản trị và Quản trị Marketing" lần thứ 7, năm 2018 (gọi tắt là CEBMM 2018) cũng đã diễn ra tại ĐH Đông Á với sự tham gia báo cáo chuyên đề của hàng trăm chuyên gia quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Anh, Hoa Kỳ, CHLB Đức, Canada, Nepal,..