Tiếng Nhật khi học phải sử dụng những ba bộ chữ khác nhau để tạo nên câu, vì thế nó yêu cầu người học cần phải tham gia học trong thời gian dài và liên tục...
1. HỌC BẢNG CHỮ CÁI TIẾNG NHẬT
Bảng chữ cái tiếng Nhật bao gồm ba bộ: Hiragana, Katakana và Kanji. Trong đó, bảng chữ cái Hiragana là bộ chữ gốc của người Nhật, bảng chữ cái Katakana được vay mượn từ các tiếng Anh và Hán tự Kanji được mượn từ Trung Hoa.
Tiếng Nhật khi học phải sử dụng những ba bộ chữ khác nhau để tạo nên câu, vì thế nó yêu cầu người học cần phải tham gia học trong thời gian dài và liên tục. Đồng thời phải học và nắm được các bảng chữ cái này mới có thể dễ dàng trong việc hiểu được ý nghĩa của từ.
Đầu tiên, kiến thức cơ bản nhất đối với người tham gia học là cần nắm và học thuộc 2 bảng chữ cái Hiragana và Katakana. Để học 2 bảng chữ cái này nhanh thì mỗi người chúng ta cần có một phương pháp học sao cho phù hợp với bản thân, thời gian, địa điểm của mình. Khi học 2 bảng chữ cái này chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp học như:
Tưởng tượng
Ví dụ: Chữ shi trong Hiragana – chúng ta tưởng tượng hình một cây gậy bị lật ngược.
Còn chữ shi trong Katakana – chúng ta tưởng tưởng đến hình tượng ba giọt nước bắn ra.
“Luyện cơ bắp”
Bằng cách viết thật nhiều lần, trung bình mỗi chữ viết ít nhất 1-2 trang, điều này phụ thuộc vào trí nhớ của mỗi người. “Trăm hay không bằng tay quen” các bạn cứ viết nhiều sẽ nhớ thôi! Các bạn nhớ mua những cuốn tập viết có nhiều ô vuông và những nét chấm sẵn đồ đúng theo hướng và quy tắc viết sẽ dần hình thành cho bạn cách viết chữ sẽ nhuần nhuyễn hơn, tay bạn sẽ trở nên mềm hơn, nét viết sẽ trở nên mượt hơn. Trong quá trình viết đừng quên đọc nhẩm theo nhé!
Flashcard
Đầu tiên ta tìm hiều về Flashcard là gì trước nhé? Flashcard là hình thức học qua cách sử dụng các tấm bìa cứng nhỏ để ghi lại chữ kèm theo đó là hình ảnh ví dụ minh họa cụ thể.
Nếu không mua chúng ngoài nhà sách, chúng ta có thể tự làm chúng bằng những tấm bìa cứng. Với bộ Hiragana một mặt ta viết chữ Hiragana, mặt còn lại ta ghi phiên âm chữ cái đó. Tương tự với bộ Katakana, ta cũng thực hiện như vậy nhưng chỉ khác một chỗ một mặt ta viết chữ Katakana, mặt còn lại ta viết chữ Hiragana để ôn tập lại chữ Hiragana. Để dễ nhớ hơn nữa, bạn có thể vẽ thêm hình ảnh minh họa cho chúng, hình nào khiến bạn liên tưởng nhanh nhất đến chữ đó thì cứ thoải mái sáng tạo theo cách của riêng bạn. Trong quá trình học, nếu có những chữ chúng ta chưa thuộc thì bạn để riêng chúng ra, sau khi học xong một lượt, vẫn chưa thuộc những chữ cái đó, bạn quay lại học chúng đến lúc thuộc, cứ lặp lại nhiều lần thì chắc chắn bạn sẽ nhớ. Bắt tay vào làm liền nhé!
2. Kanji (Hán tự)
Hán tự Kanji là bảng chữ khó nhất, yêu cầu người học cần dồn nhiều tâm sức và thời gian để có thể học tốt được chúng. Vì nó khá khó, nên đây cũng là thách thức cho những người học nên mỗi người chúng ta cần tìm hiểu cách học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu như thế nào để có thể dễ dàng chinh phục được nó. Các chữ Kanji có rất nhiều nét và cách đọc khác nhau của mỗi chữ, chúng không theo một quy luật nhất định, nhưng khi học bạn chỉ cần chú tâm để ý những điểm khác nhau cơ bản của các chữ thì chúng ta có thể phân biệt và nhớ được các chữ đó, tránh sự nhầm lẫn trong quá trình học và luyện thi.
Chữ Kanji là loại chữ tượng hình đặc biệt có nguồn gốc từ Trung Hoa nên khi học ta cần sử dụng bộ não liên hệ đến các hình ảnh từ những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, đến các hình ảnh khoa học vĩ mô. Có sự liên tưởng càng nhiều, càng nhạy bén sẽ giúp người học dễ dàng hơn và thích thú hơn trong quá trình học tiếng Nhật. Vậy bắt đầu tưởng tượng nhé!
Chúng ta sẽ sáng tạo những câu chuyện xung quanh những chữ Kanji mà bạn đang chuẩn bị học. Ví dụ như chữ 春 – xuân (nghĩa là mùa xuân), 三 – tam ( số 3 ), 日 – nhật ( nghĩa là mặt trời) chúng ta tạo nên một câu là “3 người nhìn mặt trời khi mùa xuân đến” nghe rất đơn giản dễ hiểu và dễ nhớ.
Cứ như vậy bạn sáng tạo thật nhiều câu chuyện đơn giản từ những gì quen thuộc nhất mỗi ngày, cứ luyện tập như vậy bạn sẽ thấy số lượng từ Kanji của mình sẽ tăng lên đáng kể đấy.
Có thể bạn quan tâm: 6 Bước tự học tiếng Nhật tại nhà
3. Từ vựng
Trình độ sơ cấp tiếng Nhật N5 là trình độ giao tiếp cơ bản nhất, để đạt được chúng bạn cần học thuộc khoảng 800 từ mới. Phải nói thêm rằng học từ mới tiếng Nhật khó hơn nhiều so với các ngôn ngữ khác vì nó sử dụng tới 3 bảng chữ cái và rất nhiều từ vựng, những bạn mới học tiếng Nhật chưa quen với bảng chữ cái sẽ gặp nhiều khó khăn để nhớ từ. Vì vậy nếu tự học tiếng Nhật, có thể bạn phải mất cả năm để học từ mà vẫn hay quên. Để dễ dàng hơn bạn có thể tham gia một khóa học miễn phí đễ có thể hình dung những cách học cơ bản nhất cũng như có thêm môi trường học dành cho những người mới bắt đầu học tiếng Nhật.
Học theo băng ghi âm. Vừa nghe vừa cố nhớ nghĩa của từ bạn nghe được.
Sử dụng thẻ học từ flashcard, một mặt ghi từ mới, một mặt ghi nghĩa tiếng Việt.
Điều quan trọng nhất là bạn phải vận dụng từ mới vừa học. Dùng những từ mới để đặt câu với ngữ pháp bạn đã biết. Tập nói những câu đơn giản có từ mới, tốt nhất là tìm được bạn học cùng để trao đổi, tạo phản xạ giao tiếp với từ mới.
Vẽ sơ đồ tư duy các từ trong cùng một chủ đề, để dễ dàng hệ thống khi chúng ta muốn ôn tập lại đây là một cách học rất hiệu quả và nhớ rất lâu. Nên thực hiện chúng liên tục và hẳng ngày. Bắt đầu chủ đề từ những vật dụng trong gia đình, sau đó mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn như thể thao, kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị… hoặc những chủ đề bạn yêu thích.
Lập những bảng so sánh những từ trái nghĩa và đồng nghĩa đưa ra những câu ví dụ để hiểu hơn về cách sử dụng từ đó.
Khi đã có một số lượng từ nhất định, bạn nên chuyển qua cách học một cụm từ , nó vừa giúp bạn nhớ từ vựng vừa giúp bạn tư duy nhanh, không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ trong việc ghép các từ với nhau, giúp cho quá trình giao tiếp sau này của bạn sẽ tốt hơn. Đồng thời, bạn còn hiểu được một số điểm ngữ pháp và nhớ chúng lâu hơn.
4. Ngữ pháp
Tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ có cấu trúc ngữ pháp khó nhất thế giới. Có khoảng 40 cấu trúc ngữ pháp chỉ riêng ở trình độ N5. Khi học bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn vì nó trái ngược hoàn toàn với ngữ pháp tiếng Việt. Tuy nhiên bạn vẫn có thể chinh phục được thử thách học tiếng Nhật trong thời gian ngắn một cách dễ dàng. Bí quyết ở đây đó là bạn hãy vận dụng ngữ pháp đã học vào những tình huống trong thực tế và nhớ sử dụng một cách thường xuyên nhất có thể.
Đầu tiên bạn cần nắm được các bộ phận trong ngữ pháp tiếng Nhật cũng giống như tiếng Việt bao gồm: Chủ ngữ, vị ngữ, tính từ, giới từ, trạng từ. Kết hợp với vốn từ vựng đã học được kha khá, chúng ta bắt đầu viết những câu văn từ đơn giản nhất sau đó chuyển dần qua những câu có kết cấu ngữ pháp phức tạp hơn. Mỗi ngày chọn cho mình một chủ đề để viết, có thể lấy chủ đề từ những kiến thức trên lớp được giảng viên giảng dạy, hay những gì đang diễn ra xung quanh bạn. Cũng có thể viết nhật kí bằng tiếng Nhật. Bạn cũng có thể tham khảo cách viết nhật kí của các bé học tiểu học ở Nhật, những bé sẽ vừa vẽ tranh vừa viết chữ về hoạt động diễn ra trong ngày của mình. Đây cũng là một cách học thú vị, bạn cũng nên thử một lần xem như thế nào nhé!
Cứ luyện tập hằng ngày như vậy, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những ngữ pháp đơn giản mình học được có thể diễn đạt được nhiều ý nghĩa hơn bạn nghĩ. Thông thường, bạn sẽ chỉ diễn đạt được ý tưởng theo những câu đơn mình đã học được mà không nhận ra bạn có thể kết hợp những câu đơn ấy lại để tạo ra một câu phức tạp hơn. Bạn thường nhận ra cách kết hợp các câu đơn ấy chỉ khi được những người đã nắm vững ngữ pháp chỉ ra. Vì vậy hãy tự tìm cho mình một môi trường có những người giỏi tiếng Nhật, nhất là nơi có nhiều người bản xứ để bạn có thể nghe và học hỏi cách họ phối hợp câu.
Ngoài ra, bạn nên tham khảo cách học vẽ sơ đồ tư duy, vẽ ra những mẫu cấu trúc ngữ pháp đã học để dễ dàng hệ thống chúng trong trí nhớ của bạn. Bên cạnh đó, với những điểm ngữ pháp tương đồng bạn nên lập một bảng so sánh để phân biệt những điểm khác biệt, và đừng quên lấy ví dụ minh họa cho mỗi điểm ngữ pháp nha!
5. Luyện nghe
Người Nhật nói rất nhanh, để bắt kịp tốc độ nói của người Nhật cần rất nhiều sự luyện tập và luyện nghe thường xuyên. Một phương pháp cực kỳ hiệu quả giúp bạn vừa luyện nghe vừa luyện nói chính là ghi âm lại giọng của bạn.
Hãy làm theo các bước ghi âm sau để học nghe nói tốt nhất:
- Phân tích câu nói: về ý nghĩa câu, ngữ pháp được sử dụng trong câu.
- Nghe bài nói mẫu của người Nhật.
- Tập nói theo bài nói mẫu.
- Ghi âm.
- Nghe lại đoạn ghi âm. Đây chính là lúc bạn đánh giá khả năng của mình. Hãy so sánh với bài nói mẫu. Tìm ra những điểm bạn nói chưa giống và tập đi tập lại đoạn đó.
Nếu có điều kiện, bạn hãy nhờ những người giỏi tiếng Nhật nghe giúp bạn. Những người đã sử dụng thành thạo tiếng Nhật không chỉ nhận ra lỗi sai của bạn, mà họ còn phân biệt được các giọng địa phương ở Nhật và chỉ cho bạn cách phát âm hay nhất và đúng ngữ điệu với mỗi tình huống.
Lý do khiến du học sinh nghe nói tốt trong thời gian ngắn là bởi họ được thường xuyên tiếp xúc với người Nhật. Vì vậy luyện tập thật nhiều với người Nhật là cách tốt nhất để bạn học nghe nói. Đối với những bạn có dự định du học Nhật Bản, khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật tốt sẽ là lợi thế rất lớn trong cuộc sống tại Nhật.
Ngoài ra, bạn có thể luyện nghe tiếng Nhật miễn phí trên youtube xem các tin tức truyền hình Nhật Bản để nghe được giọng chuẩn bản địa. Song song bên cạnh đó, bạn vừa học vừa thư giản bằng các bản nhạc Nhật, nếu không hiểu thì có thể xem phụ đề bên dưới để biết được từ đó phát âm như thế nào. Đối với những người đam mê điện ảnh, thì phim Nhật là một sự lựa chọn thích hợp hơn nữa, với hình ảnh bắt mắt, tình huống cụ thể và có cả phụ đề bạn sẽ dễ dàng nhớ được cả từ vựng đó được sử dụng trong tình huống cụ thể, đồng thời nghe được cách phát âm của các diễn viên đến từ những vùng khác nhau. Biết đâu lại có ai đó tạo động lực học cho bạn học thì sao!