Năm học 2015-2016, trường Đại học Đông Á chính thức được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành Kiến trúc với 60 chỉ tiêu bậc Đại học.
Kiến trúc được xếp vào một trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều nhân lực nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên với ước tính nhu cầu lên đến 3.800 người/năm trong giai đoạn 2015 – 2025. Tỉ lệ kiến trúc sư ra trường có việc làm tốt và thành đạt sau 5-7 năm luôn chiếm tỉ lệ lớn so với các ngành khác trong cơ cấu việc làm cả nước. Bên cạnh nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong cả nước ngày càng cao, sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam với dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ việc làm trong các lĩnh vực xây dựng – kiến trúc, công nghệ chế biến thực phẩm, du lịch... – là những ngành “mũi nhọn” tại ĐH Đông Á, đã và đang cung cấp hàng trăm nhân lực cho nhu cầu phát triển của TP. Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên mỗi năm.
Công trình trường Đại học Đông Á được thiết kế hiện đại
Để kịp lộ trình cải tiến CTĐT thực nghiệm toàn diện như các ngành khác nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực sẵn sàng làm việc ngay khi ra trường và có khả năng hội nhập quốc tế cao, từ năm 2014, ĐH Đông Á đã tích cực đầu tư các trang thiết bị thực hành hiện đại ngành Kiến trúc với 4 phòng học lý thuyết, 3 phòng thí nghiệm thực hành chuyên ngành, 1 xưởng thực nghiệm quy mô lớn, 2 phòng thực hành Tin học và ngoại ngữ đa phương tiện, 1 thư viện điện tử hơn 10.000 đầu sách…
Nhà trường cũng chuẩn bị đội ngũ GV 100% có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó có 1 PGS, 2 TS giàu kinh nghiệm về lĩnh vực Kiến trúc, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho khóa SV đầu tiên ngành Kiến trúc nhập học. Đồng thời, mỗi lớp học được thiết kế chỉ với 30SV nhằm tăng tính tương tác, chủ động của SV trong các giờ lý thuyết cũng như cơ hội thực hành trực tiếp.
Với thời lượng 4,5 năm toàn khóa, sinh viên ngành Kiến trúc Đại học Đông Á được thụ hưởng chương trình đào tạo thực nghiệm cao với thời lượng 50% lý thuyết – 50% thực hành ngay từ năm học đầu tiên cùng với 2 học kỳ đi làm và 1 học kỳ thực tập tại doanh nghiệp. Nhà trường cũng nỗ lực mở rộng mạng lưới doanh nghiệp liên kết và hợp tác quốc tế nhằm tăng cơ hội học việc, việc làm trong nước và quốc tế cho sinh viên sau khi ra trường.
Cùng với việc tăng cường mạnh mẽ các kỹ năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp như kỹ năng quản lý công việc, làm việc nhóm, văn hóa tổ chức,… để SV nắm bắt các xu hướng kiến trúc quốc tế, tăng khả năng hội nhập sâu vào thị trường lao động quốc tế, chương trình còn được thiết kế với các học phần: xu hướng vật liệu mới, kiến trúc xanh, kiến trúc thích ứng với biến đổi khí hậu, kiến trúc tiết kiệm năng lượng, kiến trúc nhà đô thị diện tích nhỏ,…
Sinh viên học ngành Kiến trúc được trang bị kiến thức về công tác thiết kế kiến trúc và quy hoạch đô thị; khả năng lĩnh hội nghệ thuật kiến trúc, nắm bắt các xu hướng thiết kế tiên tiến. Sinh viên biết vận dụng kỹ thuật xây dựng và tính năng vật liệu vào thiết kế, đảm bảo 4 yếu tố: công năng, nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế.
Quá trình đào tạo các kiến trúc sư tương lai có những đặc thù: phân nhóm tại họa thất, đồ án kiến trúc, mô hình thiết kế… nhằm phát triển tư duy về hình khối, không gian và sự cảm nhận chất liệu, gắn lý thuyết với thực hành, giúp sinh viên chuyển hóa kiến thức thành kỹ năng thực hành nghề nghiệp.
|