Đại học Đông Á đăng cai tổ chức chuỗi hội thảo khoa học quốc tế ICOSH và ICHC 2018

Ngày 6/12, Trường Đại học Đông Á cùng với Trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh tế quốc tế (IEDRC, trụ sở tại Hồng Kông) đồng tổ chức chuỗi hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Xã hội và Nhân văn” lần thứ 7, năm 2018 (gọi tắt là ICOSH 2018) và “Lịch sử và Văn hóa” lần thứ 5, năm 2018 (gọi tắt là ICHC 2018).

Đây là chuỗi hội thảo quốc tế lần thứ 2 được ĐH Đông Á và IEDRC đồng tổ chức trong năm 2018 sau chuỗi hội thảo khoa học quốc tế về "Kinh doanh điện tử và ứng dụng" lần thứ 1, năm 2018 (gọi tắt là ICEBA 2018) và "Kinh tế học quản trị và Quản trị Marketing" lần thứ 7, năm 2018 (gọi tắt là CEBMM 2018) diễn ra vào tháng 2 cũng tại ĐH Đông Á.

Quang cảnh hội thảo

Hai hội thảo được chia thành 2 phiên làm việc với 13 báo cáo chuyên đề được trình bày bởi 16 chuyên gia quốc tế đến từ 9 quốc gia gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhiều nhà nghiên cứu của các viện, trường đại học, các khoa chuyên ngành về Xã hội và nhân văn, Lịch sử và Văn hóa ở Việt Nam.

Tham gia ở chủ đề "Xã hội và Nhân văn", bài tham luận "Báo chí điều tra: Thâm nhập để phơi bày câu chuyện" của GS. Gary E. Swanson - nhà báo ảnh, nhà sản xuất phim tài liệu và tin tức nổi tiếng thế giới với hơn 76 giải thưởng cho chương trình truyền hình xuất sắc và báo chí nhận được nhiều sự quan tâm. Ông chia sẻ về báo chí điều tra và đấu tranh giữ nguyên tắc trung thực qua những "câu chuyện tin tức" mà ở đó, người làm báo đối mặt với vấn đề đạo đức nghề báo và việc hoàn thành nghĩa vụ báo chí về sự thật.

Xuất phát từ nghiên cứu về các thành phần của môi trường tổ chức tại các trường THCS ở Đài Loan, GS. Hui-Wen Vivian Tang - Đại học Ming Chuan, Đài Loan đưa ra một công cụ đánh giá gồm 22 yếu tố phân cụm theo năm chiều được ngoại suy từ những đánh giá phổ biến về các thành phần môi trường học đường, qua đó góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh của giáo dục các cấp học.

Trong báo cáo "Giải quyết vấn đề cải cách hệ thống dựa trên mô hình TRIZ trong quản trị", PGS. Yip Mum Wai - Đại học Tanku Abdul Rahman, Malaysia cho biết, TRIZ là phương pháp hỗ trợ quá trình tạo ra các ý tưởng sáng tạo và các giải pháp đột phá một cách có hệ thống, gợi ý các giải pháp sau khi phân tích bảng ma trận mâu thuẫn và xác định mâu thuẫn nhằm thúc đẩy đổi mới kinh doanh - một kỹ năng quan trọng và cần thiết trong môi trường kinh doanh hiện đại với sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt.

GS. Gary E. Swanson chia sẻ về báo chí điều tra và đấu tranh giữ nguyên tắc trung thực qua những "câu chuyện tin tức" mà ở đó, người làm báo đối mặt với vấn đề đạo đức nghề báo và việc hoàn thành nghĩa vụ báo chí về sự thật. Ảnh: Đ.H

Tại phiên báo cáo chuyên đề, một báo cáo cũng gây chú ý tại Hội thảo đến từ tác giả Miyako Takagi – ĐH trực tuyến Tokyo, Nhật Bản với tiêu đề "Cân nhắc các ứng dụng không giới hạn của chỉnh sửa gen". Theo tác giả, CRISPR-Cas9 - một phương pháp chủ đạo hiện tại để chỉnh sửa gen, đã được sử dụng rộng rãi bởi các nhà sinh học do thời gian xử lý, tính đơn giản và chi phí thấp. Nó cho phép các nhà khoa học thay đổi DNA với độ chính xác cao hơn các kỹ thuật chỉnh sửa gen hiện có trước đó, thúc đẩy tăng trưởng cơ bắp hoặc vô hiệu hóa virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV). 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng, can thiệp vào gen của con người có thể gây ra những hậu quả không mong muốn, tiêu cực đối với các thế hệ tương lai. Tháng 1/2018, Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA) cũng đã chính thức bổ sung kỹ thuật di truyền vào danh sách các chất và phương pháp bị cấm. Và mặc dù việc sử dụng chỉnh sửa gen cho doping chưa được công bố, việc phát triển các phương pháp đánh giá có thể phát hiện việc chỉnh sửa gen có khả năng được đảm bảo triển khai trước Olympic và Paralympic Tokyo vào năm 2020.

Các diễn giả cũng trình bày nhiều nội dung tham luận đa chiều về: Ảnh hưởng xã hội và truyền thông tiếp thị - tiền đề cho sở thích thương hiệu của điện thoại di động; Mạng xã hội như là một phần phong cách sống của sinh viên; Sự tàn phá các di sản văn hóa và các đề xuất  ngăn chặn: Mô hình Thổ Nhĩ Kỳ...

Hội thảo là diễn đàn học thuật được tổ chức luân phiên tại các đơn vị thành viên hằng năm nhằm chia sẻ thành quả nghiên cứu và những ý tưởng mới, quan điểm và trải nghiệm, kể cả thách thức thực tế và các giải pháp về mọi khía cạnh của xã hội và nhân văn, những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực lịch sử và văn hóa cùng những lĩnh vực liên quan.

Tiếp sau ICOSH 2018 và ICHC 2018, trong năm 2019, Hội thảo quốc tế về "Khoa học Xã hội và Nhân văn" lần thứ 8 (ICSSH 2019) sẽ được tổ chức tại Osaka, Nhật Bản từ ngày 10-12/4/2019; Hội thảo quốc tế về "Giảng dạy và học tập" lần thứ 5 (ICLT 2019) sẽ được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc từ ngày 27-29/5/2019 và Hội thảo quốc tế về "Giáo dục, đào tạo và học tập" sẽ được tổ chức tại Sydney, Úc từ ngày 28-30/6/2019.

Cùng ngày, đoàn 14 doanh nghiệp tỉnh Gifu (Nhật Bản) cũng đã xúc tiến các hoạt động tìm hiểu và hướng tới hợp tác đào tạo và tuyển dụng sinh viên ĐH Đông Á các nhóm ngành Điện – Điện tử, Ô tô, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thực phẩm,... thực hành nghề nghiệp và làm việc tại cơ sở của các doanh nghiệp này ở Nhật.

Đoàn 14 doanh nghiệp tỉnh Gifu (Nhật Bản) cũng đã xúc tiến các hoạt động tìm hiểu và hướng tới hợp tác đào tạo và tuyển dụng sinh viên ĐH Đông Á các nhóm ngành Điện – Điện tử, Ô tô, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thực phẩm...Ảnh: Đ.H

Trước đó, đoàn doanh nghiệp Công nghệ thông tin tỉnh Chiba (Nhật Bản) và đoàn các doanh nghiệp CHLB Đức cũng tiến hành các bước hợp tác tương tự. Đây là kết quả hợp tác với các địa phương Nhật Bản được phát triển từ sau khi thỏa thuận hợp tác tuyển dụng sinh viên Điều dưỡng sang làm việc tại Nhật được ký kết giữa ĐH Đông Á và lãnh đạo Sở Y tế thành phố Yokohama (Nhật Bản) với 20 sinh viên đầu tiên sang Nhật làm việc trong năm 2018.