Vừa qua, Khoa CNKT Điện Điện tử đã tổ chức buổi chuyên đề Mô hình hóa mô phỏng năng lượng EMR trong ô tô điện cho các sinh viên của khoa. Khóa học do Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo (CTI) thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội giảng dạy. Khóa học cung cấp cho sinh viên các kiến thức về biều diễn vĩ mô năng lượng EMR ứng dụng trong ô tô điện.
Các sinh viên khóa CD15 trong buổi chuyên đề
Biểu diễn vĩ mô năng lượng Energetic Macroscopic Representation (EMR) được bắt đầu phát triển từ năm 2000 dành cho nghiên cứu phát triển các hệ thống điện-cơ, đặc biệt là các hệ thống truyền động nhiều đối tượng hoặc nhiều thành phần vật lý khác nhau. EMR, dựa trên nguyên tắc tác động và phản ứng (action and reaction), là phương pháp biểu diễn hệ thống bằng cách chia nhỏ một hệ thống lớn thành các hệ thống con có tương tác, kết nối với nhau bằng công suất. Với cách biểu diễn này, dòng năng lượng trao đổi giữa các hệ con được làm nổi bật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan sát và điều khiển năng lượng trong hệ thống. Khi EMR của hệ thống đã được xây dựng hoàn chỉnh, cấu trúc điều khiển của hệ thống hoàn toàn có thể xây dựng được bằng cách “nghịch đảo” EMR của từng hệ con dựa trên nguyên lý của Inversion-based Control (điều khiển dựa trên nguyên lý nghịch đảo mô hình). EMR hiện nay được dùng rất nhiều trong các nghiên cứu về điều khiển ô tô điện, tàu điện, máy bay điện,… quản lý năng lượng cho hệ nhiều nguồn cấp, quản lý hệ thống truyền tải và phân phối điện năng, các nghiên cứu về các quá trình điện-hóa, điện-cơ trong các hệ thống máy công nghiệp, trong công nghệ hóa học, cơ khí,…
Giảng viên đang giảng giải về mô hình EMR